Số dư người ứng cử đều phải xứng đáng

- Thứ Hai, 29/02/2016, 20:34 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- "Quan trọng nhất, số dư đấy với tất cả người ứng cử cũng phải là xứng đáng, dù trúng hay trượt thì cũng phải là người xứng đáng. Tất nhiên, tiêu chuẩn của tất cả người ứng cử đều đã được quy định trong luật. Nhưng cũng cần phải tránh tình trạng đưa người này, người kia hay người thấp, người cao và mục đích cho người này trúng, người kia trượt thì không nên... Còn khi cử tri lựa chọn sẽ phụ thuộc vào việc anh vận động hay sự hiểu biết của cử tri về người ứng cử". ĐBQH Bùi Văn Xuyền chia sẻ về số dư người tham gia ứng cử.

>> Luôn hướng về cử tri

>> Không quá lệ thuộc vào ghi âm, ghi hình

>> Tạo niềm tin cho nhân dân

- Thưa ông, Trung ương và các địa phương vừa tổ chức công tác hiệp thương vòng 1 giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Là ĐBQH Khóa XIII, theo ông tiêu chuẩn đối với ĐBQH và đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới được quy định như thế nào?     

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Luật tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã quy định. Trước đây, tiêu chuẩn của đại biểu được quy định ở Luật bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND. Lần này, khi sửa đổi 2 luật này thì trong Luật Tổ chức Quốc hội đã đưa tiêu chuẩn của ĐBQH vào Luật Tổ chức Quốc hội và tiêu chuẩn của đại biểu HĐND các cấp vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về cơ bản cũng kế thừa các tiêu chuẩn của đại biểu dân cử là ĐBQH, đại biểu HĐND, cũng tương tự như các quy định của luật trước đây.

Đối với Quốc hội thì có 5 tiêu chuẩn được quy định tại điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, còn đối với đại biểu HĐND cũng được quy định tại điều 7 trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Lần này, luật bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND không quy định mà dẫn chiếu sang. Theo tôi, vấn đề là trước hết phải bám vào tiêu chuẩn đó là trước tiên, 5 tiêu chuẩn của ĐBQH và 4 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND cũng tương đồng như nhau.


Nguồn: ITN

- Vậy theo ý kiến của ông thì tiêu chuẩn nào ông cho là quan trọng và vì sao?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Theo quan điểm của tôi, chất lượng của đại biểu là quan trọng nhất, được xoay quanh trên 5 tiêu chí nói trên. Vì Quốc hội và HĐND là hai cơ quan đại diện cho các tầng lớp nhân dân, mặc dù vẫn cần có người cơ cấu đại diện cho các giai tầng, nhưng vẫn phải lấy tiêu chuẩn chất lượng của đại biểu lên hàng đầu. Từ đó, mới chọn cơ cấu đại biểu, chứ không thể vì cơ cấu đại biểu mà làm hạ thấp chất lượng của đại biểu.

Trước đây, muốn có một đại biểu là cơ cấu mà buộc phải lấy tiêu chí của đại biểu đó thấp, do cơ cấu mà chất lượng đại biểu đó không đạt. Tôi cho rằng, đây là nhược điểm cần khắc phục. Lần này, ĐBQH cũng như đại biểu HĐND đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì Quốc hội hoạt động chủ yếu là do đại biểu và đại biểu là hạt nhân của tập thể Quốc hội và HĐND. Cho nên, đại biểu phải là người có năng lực, trình độ, hiểu biết, có kinh nghiệm.

Tất nhiên để chọn được những đại biểu như thế không phải là dễ. Đại biểu thì mỗi người một lĩnh vực công tác, mỗi người một chuyên ngành, thế nhưng người mà có năng lực, hiểu biết, kinh nghiệm thì họ có thể tiếp nhận được nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, HĐND rất nhanh. Từ đó, có thể đưa ra các quyết sách giúp cho các hoạt động chung của Quốc hội, HĐND, chứ không đại biểu nào mà có thể học được hết các chuyên ngành, hiểu biết hết. 

- Vậy thưa ông, làm thế nào để chọn được những đại biểu có đủ phẩm chất như ông đề cập trên?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Để chọn được những đại biểu thực sự là người đại biểu của dân, khi hiệp thương giới thiệu người ứng cử phải chọn được người có năng lực. Thứ nhất, phải có học vấn, tiếp đó là kinh nghiệm công tác. Nếu trẻ tuổi cần phải là người có biểu hiện suất sắc trong lĩnh vực công tác hay học tập. Từ đó, để có thể đưa ra các ứng cử viên đáp ứng yêu cầu, tiêu chí và có chất lượng.

-Thưa ông, làm người đại biểu của nhân dân trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải có những yêu cầu gì mới?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Đối với mỗi người đại biểu của nhân dân trong giai đoạn hiện nay ngoài chất lượng, năng lực, trình độ thì người đại biểu cũng phải có phẩm chất về chính trị, đạo đức lối sống trong điều kiện hiện nay. Đây là đòi hỏi rất cao. Như chúng ta biết, hiện nay cơ quan dân cử là cơ quan đại diện cho nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân cho nên người đại biểu phải thực sự là người đại diện cho phẩm chất chính trị trung thành với tổ quốc, với nhân dân.

Đồng thời, phải có tư cách đạo đức tốt, phải gương mẫu thì dân mới tin tưởng, mới tín nhiệm; phải có bản lĩnh chính trị dám nói, dám làm. Bên cạnh đó, các yêu cầu, đề xuất của người dân, anh phải nói được mặc dù khi nói ra có thể nó động chạm đến chỗ này, chỗ kia nhưng mà đại biểu có bản lĩnh thì vẫn thể hiện được quan điểm của mình trên nghị trường. Tôi cho rằng, bản lĩnh của đại biểu cũng là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Khi anh có trình độ, năng lực rồi nhưng anh không có bản lĩnh để nói ra hay anh ngại nói, ngại va chạm thì không ổn. Mà phải nói được, phải diễn đạt được, trình bày được, lập luận được để thuyết phục được mọi người và không ngại va chạm thì đây là vấn đề rất quan trọng.

Bên cạnh đó, làm đại biểu của nhân dân anh cũng phải có tầm hiểu biết về chính sách pháp luật để khi gặp phải bất cứ một công việc gì trong giám sát hay trong xây dựng pháp luật, anh có thể đưa ra chứng kiến để bảo vệ ý kiến của mình trong xây dựng luật, bảo vệ được quyền con người, quyền công dân. Đại biểu mà làm được điều đó thì cần phải chuẩn bị cho mình một lượng kiến thức rất lớn về luật pháp.

- Ông nhìn nhận như thế nào về số dư người ứng cử lần này?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Theo tôi, quy định số dư đại biểu như ở kỳ trước là hợp lý, nếu đơn vị bầu cử mà bầu 2 thì có thể dư tới 30 – 40%, nếu số dư càng nhiều thì cử tri càng có nhiều lựa chọn. Nếu để số dư thấp thì cử tri lựa chọn lại khó, có những nơi như ở kỳ trước vẫn dư từ 30 – 40%. Chẳng hạn, nếu bầu 2 mà 4 đại biểu hoặc bầu 3 mà 5 đại biểu là hoàn toàn hợp lý. Nhưng quan trọng nhất, số dư đấy với tất cả người ứng cử cũng phải là xứng đáng, dù trúng hay trượt thì cũng phải là người xứng đáng. Tất nhiên, tiêu chuẩn của tất cả người ứng cử đều đã được quy định trong luật. Nhưng cũng cần phải tránh tình trạng đưa người này, người kia hay người thấp, người cao và mục đích cho người này trúng, người kia trượt thì không nên. Đã là ứng cử viên thì trình độ, độ tuổi nên cơ cấu ngang nhau, tuổi có thể không ngang nhau nhưng về năng lực trình độ thì không nên quá chênh lệch. Còn khi cử tri lựa chọn sẽ phụ thuộc vào việc anh vận động hay sự hiểu biết của cử tri về người ứng cử.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thăng thực hiện