Siết chặt quản lý sinh vật gây hại với trái cây xuất khẩu

- Thứ Ba, 09/07/2019, 17:59 - Chia sẻ
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị siết chặt quản lý sinh vật gây hại với trái cây xuất khẩu khi lô hàng thanh long xuất khẩu vào Trung Quốc bị phát hiện có rệp.

Ngày 9.7, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị này mới nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc phát hiện lô hàng quả thanh long xuất khẩu từ Việt Nam có phát hiện nhiễm loài rệp Dysmicoccus neobrevipes. Sinh vật này là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản yêu cầu sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý vùng trồng đối với các mặt hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là các địa phương đang có quả thanh long xuất khẩu.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, loài rệp này xuất hiện không cao trên thanh long nhưng còn có thể nhiễm trên nhiều loại trái cây khác nhau, như mít, chuối, mãng cầu, dứa, cam, quýt; đồng thời, có thể gây hại trên bông, thân, cành và quả. Rệp dùng vòi chích hút chọc thủng lớp biểu bì lá, thân, cành, quả… để hút chất dinh dưỡng. Các vết thâm của rệp làm cho bộ phận bị hại có thể thâm, triệu chứng bên ngoài quả có màu vàng.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại tại các vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước mắt, đặc biệt chú ý đối với các vườn thanh long và các loài rệp gây hại Dysmicoccus neobrevipes, Pseudococcus jackbeardsleyi.

Khi phát hiện các vườn bị nhiễm các loài rệp này, chủ vườn bắt buộc phải thực hiện các biện pháp loại bỏ, xử lý triệt để các loài rệp trên quả, trước khi xuất khẩu.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, cả nước diện có khoảng 52.000 ha trồng thanh long với sản lượng xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, thu về trên 1 tỉ USD. Quả thanh long Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 25 quốc gia, nhưng có đến 80% lượng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Duy Anh