Kinh nghiệm các nước trong quản lý đầu tư công

Siết chặt khâu hậu kiểm

- Chủ Nhật, 02/06/2019, 08:22 - Chia sẻ
Hoạt động giám sát và đánh giá dự án đầu tư công có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quản lý tiến độ thời gian, bảo đảm yêu cầu của dự án đầu tư, phát hiện kịp thời và có những biện pháp xử lý các tình huống phát sinh, góp phần cho các dự án đầu tư công được thực hiện thuận lợi, từ đó sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn. Chính vì vậy, công tác giám sát quá trình thực hiện dự án cũng như hậu kiểm để đánh giá hiệu quả luôn được các nước đặc biệt chú trọng.

Tại một số nước như Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Chile, Ireland việc kiểm tra, đánh giá hoàn thành dự án được thực hiện thông qua chính sách hậu kiểm. Tại Ireland và Vương quốc Anh, đánh giá hoàn thành dự án là đánh giá tác động của dự án đầu tư dựa trên kết quả đầu ra. Tại 4 quốc gia này, các dự án đầu tư đều phải được kiểm toán. Riêng Ireland và Vương quốc Anh, cơ chế rà soát đặc biệt được thực hiện nhằm phát hiện những nhân tố mang tính hệ thống ảnh hưởng tới chi phí và chất lượng của dự án.

Ở Trung Quốc, việc tổ chức giám sát các dự án đầu tư công được thực hiện thông qua nhiều cấp, nhiều vòng giám sát khác nhau. Mục đích giám sát đầu tư của cơ quan chính phủ là bảo đảm đầu tư đúng mục đích, đúng dự án, đúng quy định và có hiệu quả. Cơ quan có dự án phải bố trí người thực hiện giám sát dự án thường xuyên theo quy định của pháp luật. Ủy ban Phát triển và Cải cách từng cấp chịu trách nhiệm tổ chức giám sát các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của cấp mình, có bộ phận giám sát đầu tư riêng. Khi cần thiết có thể thành lập tổ đặc nhiệm để thực hiện giám sát trực tiếp tại nơi thực hiện dự án. Ủy ban Phát triển và Cải cách thành lập và chủ trì các tổ giám sát đầu tư liên ngành với sự tham gia của các cơ quan tài chính, chống tham nhũng, quản lý chuyên ngành cùng cấp và các cơ quan, địa phương có liên quan.

Ở Australia có 2 nhóm theo dõi và đánh giá đầu tư công là Ủy ban Năng suất và Cơ quan Kiểm toán nhà nước Australia. Trong đó, Ủy ban Năng suất chịu trách nhiệm đánh giá trước dự án đầu tư công và báo cáo trực tiếp lên Quốc hội. Còn Cơ quan Kiểm toán nhà nước Australia có nhiệm vụ kiểm toán xác nhận tính tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư công, kiểm toán đánh giá tính hiệu quả của đầu tư công tại các bộ, ngành, dự án và báo cáo Quốc hội.

Nhật Bản lại chú trọng các biện pháp: Đưa ra chế tài yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có trách nhiệm báo cáo, các cơ quan chức năng cần thẩm định dự án trước khi phê duyệt hoặc điều chỉnh, đồng thời việc giám sát phải được thực hiện ngay từ khi dự án chưa triển khai. Điều quan trọng hơn là phải thiết lập cơ chế dòng tiền, dòng ngân sách cho hợp lý, gắn liền với công tác giám sát, đánh giá được đầu ra của dự án.

Như vậy, trong quá trình phát triển, các nước đều không ngừng nghiên cứu hoàn thiện cơ sở luật pháp, chính sách về sử dụng vốn nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này phù hợp với hoàn cảnh trong từng giai đoạn phát triển.

Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, cần thiết phải có một văn bản pháp lý đủ mạnh để quản lý quá trình đầu tư công một cách toàn diện và hiệu quả vì việc sử dụng vốn nhà nước, nhất là nguồn vốn ngân sách chi đầu tư phát triển của Việt Nam chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng cân đối ngân sách nhà nước hiện nay.

Đạt Quốc