TP Hồ Chí Minh:

Siết chặt chế tài xử lý hành vi xả rác

- Thứ Bảy, 28/09/2019, 08:14 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, để xử lý triệt để tình trạng xả rác bừa bãi, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho người dân, làm cho mọi người hiểu rằng hành vi xả rác là trái với quy định pháp luật và cần siết chặt chế tài, nhằm xử lý hiệu quả hành vi này.

Vướng mắc trong áp dụng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, dù các cơ quan chức năng thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, nhưng dạo quanh khu vực trung tâm thành phố vẫn dễ dàng nhận thấy, rác thải nhựa hiện diện ở nhiều nơi với đủ loại thành phần. Nhiều nhất vẫn là ly nhựa đựng nước uống, chai nhựa, bao nilon, hộp xốp đựng thức ăn nằm vương vãi trên vỉa hè, bồn cây. Rác thải không chỉ hiện diện ở mọi nẻo đường mà còn xuất hiện dày đặc trên các kênh rạch, thậm chí... chui vào hệ thống cống thoát nước.

Đơn cử như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng chỉnh trang vẫn có đoạn ngập trong rác thải nhựa khiến các công nhân vớt rác trên tuyến kênh này làm việc không xuể. Tương tự, các tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh ở quận 10, quận 11 như Hòa Hảo, Bà Hạt, Nhật Tảo, Tạ Uyên, Hà Tôn Quyền, Phó Cơ Điểu, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt cũng có nhiều rác thải do người dân hay các cửa hàng kinh doanh vứt ra đường. Hoặc tại một số khu vực ở quận 12, tình trạng xả rác bừa bãi ra khu vực công cộng vẫn còn rất phổ biến. Trong đó phải kể đến nhiều đoạn kênh rạch trên địa bàn phường Thới An đã bị bức tử bởi lượng rác sinh hoạt của người dân ở đây xả ra.

Chủ tịch HĐND phường Thới An, quận 12 Nguyễn Thị Quế Nhung cho biết, phường đã thường xuyên tổ chức ra quân vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần để xóa điểm rác lưu cữu; tuyên truyền vận động từng hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch. Đồng thời, thực hiện các công trình xã hội hóa để lan tỏa trong nhân dân. Kết quả đã thực hiện 22 công trình với tổng kinh phí vận động trong nhân dân gần 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12 Đặng Hải Bình, từ đầu năm đến nay, UBND quận đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 10 công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn, với tổng số tiền phạt gần 600 triệu đồng. Thực hiện tiếp nhận phản ánh, góp ý của người dân qua website quận, Facebook hay Zalo… song, hiệu quả vẫn chưa cao. Nguyên nhân là do quận còn vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

“Hiện nay, các hành vi liên quan đến môi trường của tổ chức hay cá nhân đều xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ là muốn xử lý phải bắt tận tay, bắt quả tang, lập biên bản rồi mới xử lý; còn việc áp dụng phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ như camera hay hình ảnh để xử phạt thì chưa có quy định chính thức trong hệ thống pháp luật hiện hành” - ông Bình cho hay.

Nhiều kênh, rạch ở quận 12 đang bị ô nhiễm do tình trạng xả rác thải bừa bãi Nguồn: ITN

Điều chỉnh phù hợp với thực tế

Giảng viên Viện Khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh Lê Huy Bá cho biết, không chỉ riêng quận 12 mà ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đang phải chịu chung tình trạng này. Tình trạng rác thải được xả một cách bừa bãi như hiện nay phần lớn là do ý thức của người dân. Ý thức kém cùng với thói quen tùy tiện nên nơi nào cũng trở thành nơi có thể xả rác. Bên cạnh đó, các chế tài phát hiện và xử lý hành vi xả rác bừa bãi của cơ quan chức năng, các địa phương chưa chặt chẽ khiến việc xả rác bừa bãi càng trở nên trầm trọng.

Thực tế, triển khai công tác xử phạt vi phạm về môi trường tại TP Hồ Chí Minh cho thấy còn gặp rất nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho hay, nguyên nhân là do Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản luật liên quan khác hiện nay chưa có quy định cụ thể biện pháp cưỡng chế trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Chính bất cập này đã kéo theo khó khăn trong việc ban hành quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

Theo các chuyên gia, để xử lý triệt để tình trạng xả rác bừa bãi tại TP Hồ Chí Minh, điều cần thiết là phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho người dân, làm cho mọi người hiểu rằng, hành vi xả rác là trái với quy định pháp luật và cần siết chặt các chế tài nhằm xử lý có hiệu quả đối với hành vi này.

Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng sẽ kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh một số điều trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Vân Phi