Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh:

Sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước ngày 15.10.2020

- Thứ Ba, 14/07/2020, 13:53 - Chia sẻ
Sáng nay, 14.7, tại Phiên họp thứ 46, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Luật đã sửa đổi, bổ sung 20/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, trong đó có 3 nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Quang Khánh

Cụ thể là, Luật giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh (khoản 4 Điều 1 và khoản 3 Điều 2). Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22.12.2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 1.7.2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp

Ảnh: Quang Khánh

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định, phân công cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp soạn thảo, thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm Nghị quyết nói trên có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (từ ngày 1.1.2021), tạo điều kiện để các địa phương sớm sắp xếp, tổ chức văn phòng giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó có việc trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh kịp thời phân bổ kinh phí hoạt động năm 2021 cho văn phòng, thì việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết này phải được hoàn thành trước ngày 15.10.2020.

Cho ý kiến về nội dung này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với báo cáo của Ủy ban Pháp luật về việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội. Về Nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nên giao cho Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu xây dựng dự thảo thì sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn. 

Hồ Long