Sẽ thiết lập mặt bằng giá mới?

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 07:44 - Chia sẻ
Phát biểu khi đi kiểm tra việc thúc đẩy tái đàn, tăng đàn lợn tại TP Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mặt hàng thịt lợn trong quý IV.2020 sẽ đạt số lượng bằng trước khi xảy ra dịch. Khi đó sẽ trở về trạng thái cung cầu gặp nhau. Tuy nhiên, giá sẽ không như trước mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá lợn giống, giá thức ăn chăn nuôi và tạo mặt bằng giá mới. Thị trường sẽ đạt được mức cân đối, hài hòa để người sản xuất vẫn có lãi và người tiêu dùng vẫn chấp nhận được...

Như vậy có thể hiểu những yêu cầu giảm giá đối với mặt hàng này sẽ rất khó thực hiện. Nếu như ở thời điểm hiện tại, lý do vì sao giá thịt lợn ở mức cao được các cơ quan chức năng giải thích là vì chưa đủ lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường; do giá thành sản xuất cao vì phải bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong chăn nuôi; do có quá nhiều khâu trung gian... Hiện Bộ đã và đang chỉ đạo thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn cung để bình ổn thị trường như nhập khẩu thịt lợn và gần đây là nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Thế nhưng, đây chỉ là những giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn phải là phát triển đàn lợn trong nước...

Tín hiệu lạc quan ở thời điểm quý IV - theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là điểm mấu chốt, hạt nhân phục vụ cho tái đàn là đàn lợn giống gốc vẫn giữ được 120.000 con và bổ sung nhập nước ngoài về kịp thời. Đàn lợn nái có 2,8 triệu con. Với lượng đàn như vậy sẽ cung cấp 11 triệu con lợn vào quý IV và đủ nguồn lợn giống tái đàn, kịp thời bảo đảm đàn lợn so với trước khi bị dịch tả lợn châu Phi... Vậy nhưng giá thịt lợn sẽ như thế nào vẫn chưa có câu trả lời chính xác...

Cần nhắc lại rằng, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, khi nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là giá thịt lợn tăng đột biến, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng là do cung - cầu chưa gặp nhau. Để giảm giá, có ba giải pháp là đẩy nhanh tái đàn, đa dạng "rổ" thực phẩm và cuối cùng là rà soát tình trạng đẩy giá ở khâu thương lái, phân phối. Và một lần nữa cần nhắc lại rằng, từ hồi cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã từng đề cập: Giá thịt lợn hơi lên tới 90.000 đồng/kg là "quá đáng" nhưng vấn đề là người chăn nuôi có được hưởng không hay chỉ một bộ phận? Vậy vấn đề mấu chốt ở đây là gì? Có phải do tổng đàn thiếu hụt dẫn đến sản lượng không đáp ứng được nhu cầu hay còn lý do nào khác?

Dù Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, thời điểm quý IV, những yếu tố quan trọng như cung - cầu, việc tái đàn... đã "gặp nhau" vậy nhưng câu hỏi giá thịt lợn sẽ như thế nào vẫn chưa được trả lời thấu đáo, vẫn chỉ là có thể thiết lập mặt bằng giá mới. Và điều người tiêu dùng đặc biệt quan tâm là giá đó sẽ trở lại như trước đây, như hiện tại, thấp hơn hay cao hơn nữa?

Linh Trang