Dư âm Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Sẽ giám sát và “chấm điểm” việc thực hiện lời hứa

- Thứ Bảy, 30/11/2019, 06:50 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã xem xét nhiều vấn đề quan trọng, có nhiều ý nghĩa đối với quá trình hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển KT - XH. Trong đó, nhiều vấn để mới, khó đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận quyết liệt với mong muốn chung là mỗi luật được thông qua có thể đi ngay vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và mong mỏi của người dân. Sau kỳ họp, các ĐBQH cũng cho biết, sẽ giám sát và “chấm điểm” việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Nhiều ý nghĩa với quá trình hoàn thiện thể chế


Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã xem xét, thảo luận rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến các lĩnh vực KT - XH, đối ngoại, nhân sự. Do đó, đây là kỳ họp có nhiều ý nghĩa đối với quá trình hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Điểm nhấn của kỳ họp, theo tôi là việc Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng, nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý và khuyến khích phát triển kinh tế, trong đó có dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Chính phủ đã có sự quan tâm chỉ đạo đối với việc soạn thảo hai dự án Luật này và cơ quan soạn thảo đã trình ra Quốc hội hai dự thảo luật được chuẩn bị tương đối chu đáo. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại nghị trường, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục cân nhắc.

Với dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), vấn đề có đưa hộ kinh doanh cá thể vào phạm vi điều chỉnh hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Hiện nay, hoạt động của các hộ kinh doanh có tác động rất lớn tới nền kinh tế nước ta, bởi lực lượng này lên tới 30% GDP, cần có hành lang pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh cá thể. Qua thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều ĐBQH cũng đã đề nghị, cần có quy định quản lý phù hợp và chính sách hỗ trợ riêng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ kinh doanh cá thể, trong khi vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách từ việc thu thuế của lực lượng kinh tế đang rất phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy rằng, do dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật hiện hành nên có thể gây chồng chéo, tạo khe hở pháp lý cũng như khó khăn trong triển khai thực hiện. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề này và rà soát thật kỹ nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đây cũng là dự án Luật quan trọng cần sớm được ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác, nâng cao chất lượng đầu tư ở nước ta. Quy định về các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm. Các ĐBQH cũng đã đặt ra nhiều vấn đề mang tính thời sự, bám sát thực tiễn đời sống liên quan đến nội dung này. Ví dụ, có nên cấm đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không là vấn đề được nhiều ĐBQH đặt ra. Đa số các ý kiến cho rằng, đây là hoạt động phát sinh từ nhu cầu thực tiễn nhưng do quy định chưa chặt chẽ và việc thực thi pháp luật về quản lý nhà nước đối với ngành nghề này thời gian qua chưa tốt nên đã dẫn tới nhiều biến tướng, tác động tiêu cực trong đời sống xã hội. Do đó, đa số các ĐBQH đề nghị không nên cấm loại hình dịch vụ này và cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá tác động, nghiên cứu để lần tới trình ra Quốc hội xem xét. Bên cạnh đó, cũng nhiều ĐBQH đề xuất đưa hoạt động kinh doanh nước sạch vào danh mục các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Bởi qua thực tiễn, vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân không chỉ là lĩnh vực kinh doanh đơn thuần, mà đây còn là vấn đề có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đây cũng là vấn đề liên quan tới an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia như nhiều ĐBQH đã nêu ra tại nghị trường. Do đó, việc đưa lĩnh vực này vào danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm đặt ra các hàng rào pháp lý tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh nước sạch trong thời gian tới.

Chúng ta cũng biết, đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới. Chúng ta cũng đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Do đó, thực tiễn đặt ra yêu cầu chúng ta cần có hành lang pháp lý, chính sách tốt nhất nhằm tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp và hoạt động đầu tư. Việc sửa đổi hai Luật này là rất cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời, khuyến khích phát triển hai lĩnh vực rất quan trọng và có tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị): Chính phủ đã rất nỗ lực giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm

Chương trình nghị sự tại Kỳ họp thứ Tám bao trùm rất nhiều nội dung. Riêng công tác lập pháp, số lượng các dự luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu và trình Quốc hội thông qua là rất lớn nên không tránh khỏi tình trạng một số dự án luật chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng tài liệu chậm gửi đến ĐBQH, gây khó khăn cho đại biểu trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến cũng như phản ánh được mong mỏi, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường.

Kỳ họp này tiếp tục có những đổi mới từ xây dựng nội dung chương trình đến sự điều hành linh hoạt của Chủ tọa tạo không khí dân chủ tại Nghị trường, tranh luận đến cùng những vấn đề được cử tri, ĐBQH quan tâm. Tôi cũng đánh giá cao việc thời gian qua, Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã rất nỗ lực, đeo bám, đôn đốc giải quyết từng bước các vấn đề mà cử tri, ĐBQH đặt ra. Ở đây, chúng tôi chia sẻ với Chính phủ về việc không phải tất cả các vấn đề khiến cử tri bức xúc, các ý kiến được ĐBQH đề cập đều có thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà cần phải có điều kiện, lộ trình, thời gian. Tôi mong muốn, những vấn đề mà Quốc hội đã đặt ra, trong phạm vi quản lý nhà nước và khả năng của mình, các bộ trưởng sẽ có trách nhiệm cao hơn trong tổ chức chỉ đạo thực hiện kịp thời, với tất cả danh dự trước cử tri, nhân dân cả nước.

Sau kỳ họp, tôi sẽ báo cáo với cử tri những vấn đề bộ trưởng trả lời để cử tri nắm rõ, theo dõi và giám sát quá trình thực hiện. Trong trường hợp chưa thực hiện được, chúng tôi sẽ có báo cáo gửi Ban Dân nguyện của Quốc hội, “chấm điểm” việc thực hiện, giải quyết các kiến nghị của cử tri.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh): Tranh luận quyết liệt để làm rõ nhiều vấn đề mới, khó

So với các kỳ họp trước, tại kỳ họp này, không khí thảo luận tại hội trường sôi nổi, tính tranh luận được nâng cao. Hoạt động nghị trường ngày càng đi sâu, bám sát thực tiễn đời sống. Nhiều dự luật được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)… không chỉ đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước mà còn tác động rất lớn đến đời sống, được cử tri và nhân dân rất quan tâm.

Chất lượng các văn bản, dự thảo luật gửi đến ĐBQH cơ bản bảo đảm về mặt chất lượng, thời gian. Các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra đã làm tốt trách nhiệm của mình. Với những vấn đề mới, khó, các đại biểu đã thảo luận, thậm chí tranh luận quyết liệt trên tinh thần chung nhất là mong muốn mỗi luật được thông qua có thể đi ngay vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn và mong mỏi của người dân.

Đặc biệt, việc ứng dụng cộng nghệ thông tin và phần mềm hỗ trợ tại Kỳ họp thứ Tám là một điểm nhấn trong đổi mới cách thức phục vụ kỳ họp. Nếu tại Kỳ họp thứ Bảy, nhiều ĐBQH còn bỡ ngỡ trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm hỗ trợ phục vụ kỳ họp thì đến Kỳ họp thứ Tám, các đại biểu đã quen dần và sử dụng thành thạo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm hỗ trợ đã góp phần giảm chi phí in sao tài liệu, tăng khả năng tương tác của các ĐBQH ở mọi nơi kể cả khi ngồi trong hội trường hay khi thảo luận tại tổ. Tại các kỳ họp tới, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục triển khai, cải tiến nhằm hiện thực hóa dự án xây dựng Quốc hội điện tử, qua đó, góp phần ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội. 

Thanh Chi ghi