Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Sẽ “đổi vai” cơ quan chủ trì chỉnh lý dự thảo luật?

- Thứ Năm, 05/09/2019, 07:44 - Chia sẻ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đề xuất sửa đổi các Điều 74, 75, 76 và 77 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cho cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật. Sửa đổi quan trọng này đã thu hút sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Pháp luật khi tiến hành thẩm tra dự án Luật này.

Cơ quan trình hiểu rõ nhất cần điều chỉnh theo hướng nào

Đề xuất chuyển cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật (cơ quan trình) của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (dự thảo Luật - PV) được Thường trực Ủy ban Pháp luật gọi là sự “đổi vai”. Theo Tờ trình của Chính phủ, sự “đổi vai” này sẽ giúp bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo. Qua đó, sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của ĐBQH trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung của dự thảo với các chính sách đã được thông qua, tạo sự liền mạch hơn trong việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết này.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Phương Thủy

Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề xuất này vì hơn ai hết, cơ quan trình biết cần xây dựng chính sách như thế nào, chính sách đó nên có nội dung ra sao và điều chỉnh như thế nào sẽ bảo đảm hiệu quả, hiệu lực thực thi nhất. Khi đã đổi vai như vậy, quá trình thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, cũng như thảo luận của ĐBQH sẽ đi vào phân tích, tranh luận, phản biện đối với chính sách, vấn đề trong dự thảo luật. Cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có trách nhiệm giải trình, làm rõ trước QH, UBTVQH.

Hơn nữa, theo nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật, quy định cơ quan của QH chủ trì phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH như hiện nay dẫn đến cơ quan soạn thảo cho rằng việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, không phát huy đầy đủ thế mạnh của mình. Trong khi đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cũng có tâm lý “ngại” nêu hết vấn đề thẩm tra phản biện, nhất là những vấn đề chính cơ quan thẩm tra chưa biết hướng xử lý (vì càng nêu ra nhiều vấn đề, sau khi QH cho ý kiến lần đầu, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phải chủ trì xử lý). Như vậy, khi thực hiện việc “đổi vai” này sẽ giúp bảo đảm đúng chức năng của từng cơ quan; tăng tính chủ động, trách nhiệm đến cùng của cơ quan trình dự án; đề cao tính phản biện nhằm góp phần bảo đảm tính khách quan, độc lập của hoạt động thẩm tra.

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình

Việc thay đổi “vai” tiếp thu, giải trình dự án luật, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ kéo theo phải quy định rõ trình tự, thủ tục UBTVQH chỉ đạo, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu dự thảo luật trong từng giai đoạn trước khi trình QH biểu quyết thông qua; UBTVQH là cơ quan báo cáo giải trình, tiếp thu lần cuối cùng trước khi QH biểu quyết thông qua; những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý sẽ được báo cáo UBTVQH để đưa ra QH biểu quyết; tại phiên thông qua, nếu ĐBQH vẫn còn ý kiến thì UBTVQH yêu cầu đại diện cơ quan trình dự án báo cáo, giải trình bổ sung; QH tiến hành biểu quyết riêng đối với những điều khoản còn ý kiến khác nhau. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự thảo do Chính phủ trình trước khi báo cáo UBTVQH…

Là một trong những đại biểu tán thành đề xuất “đổi vai”, theo ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang), khi cơ quan trình chủ trì tiến hành tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết sẽ khiến họ phải theo đến cùng, cũng như chịu trách nhiệm chính đối với các chính sách, nội dung văn bản do mình đề xuất. Trong thực tế đã có nhiều ví dụ về vấn đề cơ quan trình dễ đẩy trách nhiệm khi quy định pháp luật không đi vào cuộc sống do không chủ trì tiến hành tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

ĐBQH Trần Văn Quý (Hưng Yên) cũng nêu thực tế, trong quá trình thực thi luật phát sinh vướng mắc, cơ quan chức năng thường lấy lý do bởi luật được QH ban hành (?). Hay như trong công tác quản lý nhà nước, nếu không thực hiện được mục tiêu đề ra bao giờ cũng có nhận định chung chung “do quy định pháp luật không đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn”. Dù vậy, ĐB Trần Văn Quý cũng chưa hoàn toàn yên tâm khi chỉ sửa đổi 4 điều trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện “đổi vai” cơ quan chủ trì tiến hành tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Một trong những lý do là bởi dự thảo Luật chưa có quy định về trường hợp cơ quan trình không tiếp thu đề xuất được nhiều ĐBQH đưa ra thì xử lý như thế nào trong khi đó, trên thực tế, trường hợp này không hiếm gặp như khi QH thảo luận các dự án Luật Quy hoạch; Luật Phòng, chống tham nhũng... Do vậy, ĐB Trần Văn Quý đề nghị, phải tính toán kỹ những trường hợp phát sinh để quy định cụ thể, bảo đảm tính khả thi của dự án Luật.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị phải hết sức cân nhắc việc “đổi vai” này. Bởi với thời gian, cách thức tổ chức kỳ họp QH như hiện nay sẽ không có đủ thời gian để vừa nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo ý kiến của ĐBQH, sau đó Chính phủ cho ý kiến, cơ quan chủ trì thẩm tra tiến hành thẩm tra lại, và báo cáo với UBTVQH trước khi trình QH.

Trong khi đó, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) lưu ý, những hạn chế được Tờ trình của Chính phủ đưa ra như cơ quan trình coi như hết trách nhiệm, cơ quan chủ trì thẩm tra “ngại” nêu hết các vấn đề... phần nhiều mang yếu tố chủ quan, do ý thức của cơ quan trình, không phải do quy định của luật. Thay vì sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành bởi những nguyên nhân mang tính chủ quan, tại sao không tăng cường kỷ cương, kỷ luật, cũng như tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình? - ĐB Tô Văn Tám đặt câu hỏi.

Có thể thấy, sửa đổi quan trọng này tại dự án Luật sẽ kéo theo nhiều thay đổi khác liên quan đến quy trình, cách thức tổ chức công việc của các cơ quan chức năng. Và với những ví dụ từ thực tiễn được thành viên Ủy ban Pháp luật đưa ra, rõ ràng sẽ phải tiếp tục nghiên cứu kỹ càng, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình ra QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám tới. 

Thanh Hải