Sau Tết, không khan hiếm lao động

- Thứ Sáu, 14/02/2020, 08:05 - Chia sẻ
Thông thường, sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân đều rơi vào tình trạng khan hiếm lao động. “Song năm nay, điều đáng mừng là tình trạng này không xảy ra, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Hiện cả nước có đến 98% công nhân, người lao động đã trở lại làm việc” - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi nhanh với báo chí sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 và tình hình lao động, sản xuất sau Tết tại Thái Nguyên ngày 13.2.

- Xin Bộ trưởng cho biết tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương, doanh nghiệp hiện nay ra sao?

- Điều quan trọng nhất mà tôi nhận thấy qua nắm bắt tình hình thực tế tại Thái Nguyên và báo cáo nhanh của các tỉnh, thành phố trên cả nước là các địa phương đã và đang thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch. Các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ, kịp thời và nghiêm túc, đặc biệt là phòng ngừa dịch. Điều này, giúp nhân dân và người lao động yên tâm sinh hoạt, sản xuất.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiểm tra tình hình phòng, chống dịch và lao động, sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên
Ảnh: Thái Bình

- Qua kiểm tra tại Thái Nguyên, Bộ trưởng thấy không khí lao động, sản xuất của công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay thế nào?

- Sau Tết cũng như trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác phòng chống dịch, ổn định sản xuất. Tại Thái Nguyên, hiện 100% doanh nghiệp đã trở lại làm việc bình thường. Tổng hợp báo cáo nhanh của 30/63 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 98% công nhân, người lao động đã trở lại làm việc và có thể thấy không khí lao động, sản xuất của các doanh nghiệp cũng như của nhân dân rất tốt. Đặc biệt, trước, trong và sau Tết, không xảy ra tranh chấp lao động tập thể. Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chế độ, chính sách phúc lợi đối với công nhân, giúp họ gắn bó với công việc, an tâm lao động, sản xuất.

- Diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn rất phức tạp, điều này ảnh hưởng thế nào đến thị trường lao động việc làm cả nước, thưa Bộ trưởng?

- Sau Tết Nguyên đán năm nay, thị trường lao động không biến động nhiều. Đặc biệt, không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động như một số năm trước. Các doanh nghiệp đã chủ động rất sớm về lực lượng lao động, kế hoạch sản xuất cũng như chế độ đối với người lao động. Có thể thấy đến thời điểm này, người lao động trên cả nước đã trở lại nhà máy, công ty làm việc bình thường.

Song, trước tình hình dịch bệnh hiện tại, chúng ta phải lường trước các tình huống. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp chủ động được nguyên, vật liệu, thiết bị phục vụ cho hoạt động thì có thể bảo đảm ổn định và phát triển. Nhưng nếu dịch còn kéo dài, với nguồn nguyên liệu phụ thuộc, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đó, có thể dẫn đến tình trạng một bộ phận công nhân phải nghỉ việc tạm thời; hoặc là dịch chuyển sang những công việc khác. Do đó, thị trường lao động sẽ có biến động. Nhưng chúng tôi dự báo, biến động này không lớn, nhất là với lĩnh vực sản xuất có quy mô lớn.

Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp có thể sẽ gia tăng ở khu vực sản xuất có tính chất sử dụng nhiều lao động như: Giày da, may mặc hay một số ngành nghề phụ thuộc nguyên liệu từ phía Trung Quốc và những nước bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19.

- Nếu dịch kéo dài, Bộ trưởng khuyến cáo gì đối với các doanh nghiệp?

- Trước tiên, chúng ta phải duy trì và làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch. Phòng, chống một cách quyết liệt nhưng không gây hoang mang và phải bảo đảm an toàn cho người lao động, bảo đảm tiến độ sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp đang có lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc, nên chủ động, chú trọng đào tạo kỹ thuật cho các công nhân bậc cao để kịp thời đối phó với sự thiếu hụt chuyên gia, cán bộ kỹ thuật khi dịch bệnh kéo dài.

Riêng với Thái Nguyên, đây là địa bàn dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc về số lượng trường cao đẳng, đại học; đồng thời là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, tỉnh cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, xứng đáng là trung tâm giáo dục của vùng. Bên cạnh đó, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thái Bình thực hiện