Sau khi có luật, công tác tiếp công dân có tốt hơn không, có đạt yêu cầu không?

- Thứ Ba, 19/03/2013, 16:43 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự án Luật Tiếp công dân, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, công tác tiếp công dân hiện nay có nhiều tiến bộ, nhưng hiệu quả của công tác này biểu hiện ở chỗ các kiến nghị, các khiếu nại, các việc tố cáo được giải quyết có vừa lòng dân hay không thì chưa đạt yêu cầu. Do đó, tinh thần chung là sau khi có luật này thì liệu công tác đó có tốt hơn, đạt yêu cầu không? Phải đánh giá các tác động của luật và đã làm luật thì phải có mục tiêu như thế.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật
 
Cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật. Có thể gom lại theo cách nào đó, nên rõ hơn việc tiếp công dân vì khẳng định đây sẽ là văn bản pháp luật cao nhất về quy định tiếp công dân của Việt Nam. Đối với cơ quan Đảng thế nào, cơ quan nhà nước thế nào, nhà nước có cả QH, có Chủ tịch Nước, có Chính phủ, có các cơ quan tư pháp và các thiết chế độc lập như cơ quan kiểm toán cần phải tính. Sau này nếu như có các thiết chế khác như Hội đồng bầu cử trong tương lai cũng là vấn đề cần tính đến, Hội đồng hiến pháp nếu như có được thì cũng phải tính đến hoạt động của các cơ quan này trong quá trình tiếp nhận ý kiến của công dân hoặc cách ghi thế nào về mặt nguyên tắc.
 
Thứ hai, đề nghị nên có giải trình trong luật này để rõ hơn địa vị pháp lý và một số thẩm quyền được ủy quyền của cơ quan giải quyết tiếp công dân của cơ quan hành pháp, thực chất là của Chính phủ mà Chính phủ lại giao nội dung, chức trách thuộc về thanh tra Chính phủ. Tôi đề nghị trụ sở tiếp công dân thì địa vị pháp lý của nó là thế nào và thẩm quyền cuối cùng khi kết luận thì thuộc về ai? Tôi hiểu đương nhiên nó vẫn là của Thanh tra Chính phủ và của Tổng thanh tra Chính phủ là chính. Cơ quan này là cơ quan chuyên môn và cơ quan thực thi nhiệm vụ công việc tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ hoặc của cơ quan hành pháp. Phải nói rõ như vậy. Như vậy, ở Trung ương sẽ là trụ sở tiếp công dân. Ở địa phương cũng có trụ sở tiếp công dân. Thẩm quyền quyết định cuối cùng phải nói rõ nó thuộc về UBND và Chủ tịch UBND. Cấu trúc như thế sẽ rõ hơn, mạch lạc, không phân vân gì về việc nó chỉ là nhà tiếp dân hay có thẩm quyền gì ở đây được ủy nhiệm.

Ngoài ra nên nói rõ thêm một mối quan hệ nữa của trụ sở tiếp công dân với các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, gồm cấu trúc là cơ quan QH, Chủ tịch Nước, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các thiết chế độc lập. Nếu như vậy sẽ rõ. Ở đây đã có các điều rồi nhưng sắp xếp như thế nào cho mạch lạc…
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước: Phạm vi như thế có quá rộng không?
 
Theo tôi hiểu, nếu gọi là tiếp dân thì qua thực tiễn có 3 vấn đề. Một là tiếp dân để giải quyết công việc thuộc về chức năng, nhiệm vụ, điều đó bất cứ cơ quan nào cũng phải làm, nếu có liên quan đến các quyết định hành chính mà liên quan đến công dân và tổ chức xã hội thì phải tiếp để giải quyết công việc đó. Thứ hai là tiếp công dân để nghe phản ánh các kiến nghị, các tâm tư nguyện vọng của công dân muốn góp ý để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan. Thứ ba là tiếp công dân để nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân đối với tình hình đất nước, nó rộng lớn hơn, thường là QH, HĐND các cấp. Tôi đi tiếp xúc cử tri, bên cạnh việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri cũng có không ít trường hợp có chuyện khiếu nại, tố cáo. Người ta khiếu nại, tố cáo căng thẳng ngay trong cuộc làm việc. Việc khiếu nại, tố cáo gặp hàng tuần tại trụ sở a, b, c từ tỉnh đến huyện, đề nghị cử tri nếu có vấn đề tâm tư bức xúc thì đến đó, còn ở đây là tiếp cử tri để các cử tri thể hiện tâm tư nguyện vọng của mình chuẩn bị cho kỳ họp hoặc sau kỳ họp, cử tri có góp ý gì cho Quốc hội, cho Chính phủ. Bây giờ để mấy trăm cử tri ngồi nghe một người tố cáo một câu chuyện thì rất bất tiện mà ở đây không giải quyết được, cho nên, đa số các cuộc tiếp cử tri tôi đã tham gia, Ban tổ chức đề nghị không giải quyết các khiếu nại, tố cáo, bởi vì ảnh hưởng đến hàng trăm cử tri khác. Cho nên chỗ này tôi thấy nội dung dự thảo luật đưa ra có lẽ quá rộng. Theo tôi phải lựa chọn 1 trong 3 vấn đề thôi. Nếu tiếp dân để giải quyết công việc thuộc chức năng hàng ngày thì cái đó không đưa vào đây, cái đó thuộc chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị. Anh làm theo quy định của ngành dọc anh và bắt buộc anh phải làm những việc đó.

Việc thứ hai là phản ánh nguyện vọng đối với một cơ quan cũng không nên đưa vào trong này. Qua tổng kết, tôi thấy căng thẳng nhất vẫn là xung quanh khiếu nại, tố cáo. Tôi đồng ý với ý kiến là vấn đề tiếp dân của ĐBQH và HĐND xen vào Luật Giám sát.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Không nên thành lập các cơ quan chuyên nghiệp tiếp công dân
 
Có thể khẳng định một điều, toàn bộ hệ thống chính trị phải tiếp dân, do nhu cầu của người dân. Còn trong hệ thống chính trị gồm có những nhóm cơ quan, mà trong điều chỉnh chủ yếu liên quan đến hệ thống các cơ quan hành chính là chính, tôi nghĩ chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và chưa đáp ứng được nguyên tắc, quan điểm đưa ra trong Tờ trình của Chính phủ.

Thứ hai là tính khả thi và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những bất cập hiện nay. Tờ trình của Chính phủ có nêu ra một số vấn đề về bất cập trong tình hình hiện nay như nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, hay tiếp công dân thì hình thức, hiệu quả chưa cao và có tình trạng khoán trắng trong việc tổ chức tiếp dân cho các cơ quan chức năng. Nhưng theo luật này tôi thấy thiên về các cơ quan chức năng. Rõ ràng chúng ta càng thể hiện sự khoán trắng cho các cơ quan chức năng. Ví dụ như tổ chức trụ sở tiếp dân, coi đó là một cơ quan tiếp dân, chắc chắn “ông” tỉnh giao khoán cho cơ quan này ngay, “ông” huyện cũng giao khoán cho cơ quan này... Trước đây việc tiếp dân được tổ chức ngay tại các cơ quan nhà nước và việc này đã đáp ứng được yêu cầu của nhân dân cũng như người đứng đầu các cơ quan phải có trách nhiệm. Bây giờ ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp Trung ương có tổ chức đưa ra đấy, sau đó xác định các cơ quan chức năng, những người có tiêu chuẩn, chuyên viên nhà nước được ra tiếp dân. Tôi nghĩ xu hướng có phải là chuyên nghiệp hóa lực lượng tiếp dân không? Tôi thấy tư tưởng này cần xem xét thêm về xu hướng của luật này. Phải chăng đi theo định hướng vì một số nội dung mà tình hình thực tiễn bức xúc hiện nay là vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân? Hiện nay Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã điều chỉnh tất cả chức năng, nhiệm vụ, những vấn đề có liên quan, kể cả việc phải xử lý tập trung đông người. Bây giờ phải chăng là đưa ra những quy trình thủ tục và trách nhiệm để thực hiện các việc này như thế nào cho hợp lý? Rõ ràng cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.
 
Về trụ sở tiếp công dân, tôi thiên về phương án không nên thành lập các cơ quan chuyên nghiệp tiếp công dân. Nên nghiên cứu kỹ việc tổ chức cái này, nó có một tư cách pháp nhân và tất cả các thứ thì cần phải được xem xét kỹ. Tôi nghĩ đấy chỉ là một nơi để tiếp công dân và thực hiện quy trình, thủ tục của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề của nhân dân.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Công dân có quyền, nhưng cùng với đó là nghĩa vụ
 
Tôi cho rằng hướng xây dựng Luật Tiếp công dân như thế này là tương đối tốt, đã phản ánh được những nội dung cơ bản của nghị định Chính phủ và một số yêu cầu thực tiễn đặt ra ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, tôi có hướng suy nghĩ khác một chút. Thực tâm tôi rất băn khoăn cả nghị định của Chính phủ, kể cả thực tế tiếp công dân của nước ta trong tình hình hiện nay. Bây giờ chúng ta đặt vấn đề là mục đích tiếp công dân để làm gì? Ở đây nói "tiếp công dân để lắng nghe và tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân", chung quy nó chỉ có thế. Anh gặp lắng nghe, sau đó tiếp nhận tố cáo và phản ánh của dân. Trong thực tế chúng ta tổ chức như vậy nhưng không phải như vậy. Nếu chỉ lắng nghe sau đó nhận đơn khiếu nại, tố cáo là xong thì cũng không phải. Nếu làm đúng như thế thì dân cũng không cần và nghe chừng không đúng với quy định của pháp luật trong tình hình hiện nay. Tôi nói một ý khác, kể cả Luật Khiếu nại, tố cáo và các luật khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, công dân có quyền khiếu nại, có quyền tố cáo, có quyền kiến nghị, có quyền phản ánh, nhưng đồng thời chúng ta không nghĩ rằng công dân cũng có nghĩa vụ phải tìm đến những nơi khiếu nại, tố cáo, phản ánh cho đúng. Không phải cứ cầm đơn khiếu nại, tố cáo đến phòng tiếp dân là xong. Như vậy, ở góc độ nào đó chúng ta hướng dẫn người dân phải nghĩ đến nghĩa vụ của mình, phải biết chuyện đó. Tôi rất băn khoăn việc tổ chức các trụ sở tiếp dân theo kiểu như chức năng, nhiệm vụ như thế này.

Trong giai đoạn hiện nay, muốn xây dựng Luật Tiếp công dân thì hãy nghĩ lại việc đó, đó là trách nhiệm của công dân. Còn trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức đã được quy định trong luật tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan mà mức độ tiếp dân trực tiếp hoặc gián tiếp đến đâu đã có rồi. Có những cơ quan gián tiếp không cần thiết hàng ngày phải mở phòng tiếp dân nhưng cũng có những loại cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải mở phòng thụ lý đơn như cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, khi dân khởi kiện vụ A, B, C có đơn này, đơn kia, đó là bộ phận tiếp dân. Đã đến lúc phải nghĩ hướng dẫn cho người dân như thế nào đó để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình…

Minh Vân lược ghi