Sáng kiến lập pháp: Dự luật của nghị sỹ và Chính phủ - vẫn là bất phương trình

- Thứ Sáu, 11/01/2008, 00:00 - Chia sẻ
Quyền trình dự luật của nghị sỹ được Hiến pháp hầu hết các nước quy định. Theo thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, ở tất cả 82 nước có số liệu, nghị sỹ đều được trao quyền này.

      Đối với Nghị viện của các nước theo chế độ đại nghị, điển hình như ở Anh, Nhật Bản, Canada, thông thường quyền đưa ra các sáng kiến lập pháp trước Nghị viện được chia sẻ giữa Chính phủ và các nghị sỹ. Còn đối với mô hình cộng hòa tổng thống, điển hình như ở Mỹ, với việc đề cao tính độc lập của cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp nên sáng quyền lập pháp chỉ thuộc về nghị sỹ. 
      Mặc dù ở chính thể cộng hòa tổng thống, quyền sáng kiến lập pháp chỉ thuộc về nghị sỹ nhưng bằng nhiều cách khác nhau cơ quan hành pháp vẫn có thể tác động đến những kiến nghị lập pháp do các nghị sỹ đưa ra. Chẳng hạn, Tổng thống có thể có thông điệp gửi đến Nghị viện (đặc biệt như các dự án luật về ngân sách), hoặc thông qua những nghị sỹ trong đảng mình để đưa ra các kiến nghị lập pháp.
      Pháp luật của nhiều nước quy định, chỉ có Chính phủ mới có quyền kiến nghị các dự án luật có liên quan đến việc tăng hoặc giảm thu, chi ngân sách quốc gia. Ở một số nước khác, mặc dù được trình ra Nghị viện, các dự án luật của nghị sỹ có liên quan đến các khoản thu chi ngân sách quốc gia cũng phải được sự đồng ý của Chính phủ như ở Philippines, Nhật...
      Xuất phát từ hiệu quả trong hoạt động lập pháp, Nghị viện một số nước còn đưa ra các quy định như, các dự luật cá nhân phải có một số lượng nghị sỹ nhất định ủng hộ (Đức, Nhật, Hàn Quốc). Ở Pháp, trước khi trình ra Nghị viện, các dự án luật phải được chuyển cho Đoàn Chủ tịch (Bureau of the Assembly) để xem xét các vấn đề dự luật đề cập có thuộc phạm vi thẩm quyền lập pháp của Nghị viện theo Điều 34 của Hiến pháp hay không.
      Ngoài ra, quyền trình các dự luật ra trước Nghị viện còn có một số hạn chế khác. Ở một số nước, dự luật được trình ở nhiệm kỳ Nghị viện này nhưng chưa được thông qua thì tới nhiệm kỳ Nghị viện tiếp theo, dự luật này lại phải bắt đầu lại từ đầu (như ở Đức, Phillippines..). Ở một số nước như Italy, Kuwait... nếu một dự luật bị bác bỏ thì dự luật đó không được đệ trình lại trong cùng nhiệm kỳ của Nghị viện, hoặc trong một giới hạn thời gian nhất định.
      Đối với những Nghị viện được thiết kế theo mô hình lưỡng viện, thủ tục trình các dự án luật có một số điểm phức tạp hơn. Ở một số nước, các dự luật chỉ được phép trình ra Hạ viện, sau đó khi Hạ viện đã thông qua thì dự luật mới được chuyển sang Thượng viện. Trong trường hợp này, các dự luật của thượng nghị sỹ cũng được gửi đến Văn phòng Thượng viện nhưng sau đó Văn phòng Thượng viện sẽ chuyển dự luật cho Văn phòng Hạ viện. Một số nước khác, vai trò của hai viện là như nhau trong quy trình lập pháp, các dự án luật đều có thể được trình ở  cả Thượng viện và Hạ viện (ngoại trừ một số trường hợp có liên quan đến ngân sách). 
      Mặc dù đại đa số các nước ghi nhận quyền trình dự luật của nghị sỹ, nhưng trên thực tế, số lượng dự luật của nghị sỹ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chương trình nghị sự, và số lượng dự luật của nghị sỹ trở thành luật càng ít ỏi hơn.

Nguyễn Lê