Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cháy rừng

- Thứ Sáu, 13/03/2020, 08:36 - Chia sẻ
Nắng nóng, khô hạn không chỉ khiến đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh mất mùa, thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặn mà còn phải đương đầu với nguy cơ cháy rừng đang rình rập khắp nơi. Các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau đang ở mức báo động cấp V, là cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng với mức độ lan tràn lửa rất nhanh.

Nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm

Tỉnh Kiên Giang hiện có 39.709ha rừng đặc dụng, 32.037ha rừng phòng hộ và hơn 8.114ha rừng sản xuất; diện tích đất có rừng hơn 76.218ha (trong quy hoạch lâm nghiệp là 66.475,91ha, ngoài quy hoạch 9.742,54ha), độ che phủ là 12,01%. Hiện các khu vực, diện tích vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng của tỉnh là 41.147ha, tuy lực lượng phòng cháy chữa cháy đã bố trí phương tiện, trang thiết bị và tổ chức ứng trực 24/24 giờ theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) nhưng nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào.


Nguồn: ITN

Tại Cà Mau, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau ngày 6.3 cho biết trên địa bàn có hơn 34.000ha rừng cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm và cấp nguy hiểm tập trung tại Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Liên tiểu khu 30/4, Liên tiểu khu U Minh I… Ngành chức năng Cà Mau nhận định, tình hình hạn hán trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp và gay gắt. Từ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lâm nghiệp, dân sinh và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau, tổng lượng mưa thực đo tại các địa phương trong tỉnh đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 76 - 99%. Dự báo đến tháng 4. 2020, Cà Mau sẽ chưa có mưa. Bên cạnh đó, mực nước dưới các tuyến kênh thấp hơn năm 2019 từ 0,5 - 0,8 m, một số nơi có khả năng thiếu nước và khô cạn hoàn toàn.

Mới đây, tỉnh An Giang đã nâng cấp cảnh báo cháy rừng tăng lên cấp độ V, cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn trên địa bàn một số huyện, thành phố như Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Đốc. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn An Giang: Tại khu vực Nam Bộ, mực nước thượng lưu sông Mê Kông xuống dần và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 45%, các tháng cuối mùa ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 15 - 20% so với trung bình nhiều năm.

Cũng như các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long, An Giang hiện đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước, hạn hán và xảy ra nguy cháy rừng rất cao, đặc biệt là tại các khu vực rừng tràm. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 16.900ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Hiện tổng diện tích rừng trọng điểm có nguy cơ cháy gần 7.300ha chiếm 43,2% tổng diện tích rừng của tỉnh. Trong đó, huyện Tịnh Biên hơn 2.900ha rừng có nguy cơ cháy gồm: rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn, khu vực đồi Kakô, khu vực Latina - Tà Lọt; thành phố Châu Đốc có 49,9ha rừng có nguy cơ cháy thuộc khu vực núi Sam. Huyện Tri Tôn có gần 4.300ha thuộc khu vực núi Dài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Nam Quy, rừng tràm Bình Minh, lâm trường Tỉnh đội, rừng tràm Tân Tuyến; huyện Thoại Sơn có 50ha gồm khu vực núi Tượng, núi nhỏ, núi Sập.

Căng mình phòng “giặc lửa”

Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Hoàng Văn Tuấn, cho biết: Vào thời điểm này, tất cả các chủ rừng ở Kiên Giang đã xây dựng phương án phòng chống cháy rừng năm 2020 và được phê duyệt theo quy định. UBND tỉnh đã phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh và của các đơn vị, với kinh phí 13,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng củng cố các đội cứu nạn, cứu hộ các cấp, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở. Duy trì thực hiện chặt chẽ quy chế phối hợp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội. Công tác chuẩn bị các phương án chữa cháy cũng được triển khai. Vườn Quốc gia Phú Quốc đã trục cỏ và cày đường băng trắng hàng trăm héc ta đất tại các khu vực đồng tràm xã Bãi Thơm, xã Cửa Cạn, khu vực rừng phòng hộ, gia cố, nạo vét 68 giếng trữ nước (từ 5 - 25m3 nước/giếng), bố trí 40 bồn trữ nước (1 - 5m3 nước/bồn) ở các vùng trọng điểm; bố trí 55 lực lượng trực 24/24 giờ ở các vùng trọng điểm.

Cũng với phương châm 4 tại chỗ, tỉnh An Giang triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương vào cao điểm mùa khô. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng công an, quân đội, hải quan triển khai kế hoạch hiệp đồng chữa cháy rừng; xây dựng kế hoạch hợp đồng chữa cháy rừng tại địa phương; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh huy động. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang Trương Minh Hùng cho biết: Trước nguy cơ cháy rừng tăng cao vào mùa khô Chi cục quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang Lữ Cẩm Khường, cho biết: Để phòng chống cháy rừng trong mùa khô, hiện ngành nông nghiệp tỉnh duy trì hoạt động 17 Tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng thuộc địa bàn huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thường xuyên có mặt tại rừng trong các tháng mùa khô. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng đã định vị, rà soát thống kê toàn bộ các hồ đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng trên khu vực đồi núi với 190 điểm chứa nước, dung tích từ 1m3/điểm trở lên. Các phương tiện, dụng cụ, máy chữa cháy rừng đều được bố trí tại các điểm, chốt bảo vệ rừng ngoài hiện trường sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng

Ban quản lý Vườn Quốc gia U Minh Thượng tỉnh Cà Mau đã gia cố, sửa chữa 6 cống điều tiết nước, đắp 2 đập giữ nước, nạo vét 5 hố trữ nước trong rừng; bơm nước bổ sung vào rừng hơn 1,5 triệu m3; lắp đặt 3 bảng dự báo cấp cháy rừng, dự báo cấp cháy rừng hằng tuần; phát dọn 25 đường tuyến (500 - 800m/tuyến) phân lô, cắm mốc để cơ động lực lượng tiếp cận khi có cháy rừng xảy ra; phát dọn thực bì mặt kênh được 60km/70km, bảo đảm vỏ máy tuần tra; bố trí 40 lực lượng trực tại các vùng trọng điểm.

Các chủ rừng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí lực lượng trực, canh phòng để phát hiện ngay khi có cháy để xử lý kịp thời; rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để bổ sung phương án phòng, chống cháy, bảo đảm các điều kiện sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ...

Hiền Dung