Sẵn sàng đón cơ hội để bứt phá

- Thứ Tư, 08/07/2020, 05:39 - Chia sẻ
Với vị trí thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã trở thành “điểm đến” hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Qua hơn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư, Đồng Nai luôn là địa phương nằm trong top các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước, kinh tế - xã hội của tỉnh được duy trì ổn định, đời sống người dân được nâng cao.

 Bệ phóng từ thành quả 10 năm xây dựng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Đồng Nai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua việc luôn chủ động, sáng tạo ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch hành động; có cơ chế, chính sách đột phá, chỉ đạo đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực xã hội và sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thành tựu nổi bật nhất của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất nông nghiệp, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Đồng Nai đạt trên 56,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,62% vào năm 2011, xuống còn 0,9%.

Sản phẩm nông nghiệp sau chế biến tăng từ 3 đến 10 lần giá trị so với bán thô

Những kết quả đã đạt được giúp chính quyền Đồng Nai nhận được sự tin tưởng và đồng lòng tuyệt đối của nhân dân trong chặng đường xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng. Việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tính kết nối; tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, hệ thống điện của tỉnh Đồng Nai không chỉ góp phần hình thành những đô thị giữa nông thôn mà còn nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất hàng hóa

Sau nhiều năm xây dựng hạ tầng cùng các cơ chế hỗ trợ linh hoạt, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và quản trị các công trình hạ tầng sau đầu tư hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp đã có bước phát triển đáng kể, gắn với quá trình đô thị hóa để bảo đảm chủ động sử dụng, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất nguồn vốn đầu tư.

Giai đoạn 2008 - 2017, Đồng Nai đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo được hơn 2.500km đường, diện mạo, cảnh quan dọc các tuyến đường được chỉnh trang, 133 xã có đường nhựa, bê tông tuyến UBND xã tới UBND huyện. Hệ thống điện và thủy lợi được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, cấp nước phục vụ cho công nghiệp và sinh hoạt, ngăn mặn và ngăn lũ. Các hạ tầng về trường học, viễn thông, y tế cũng được nhanh chóng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu tiếp cận đa chiều của nhân dân, mặt khác, các tiêu chí hạ tầng cũng góp phần bảo đảm ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn toàn tỉnh bởi gia tăng dân số cơ học trên địa bàn các huyện có khu công nghiệp.

Vị thế chưa tương xứng với tiềm năng

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện chủ trương “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, thời gian tới, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng nông thôn Đồng Nai giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát huy bản sắc văn hóa vùng nông thôn.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận, mặc dù có những chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế nông thôn song, những tiến bộ đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng với nền nông nghiệp tỉnh Đồng Nai. Thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa nhiều; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững, nông sản hàng hóa chưa có thương hiệu mạnh…

Đồng Nai có đến 60% dân số sống bằng nông nghiệp, mỗi năm tỉnh xuất ra thị trường 2,5 triệu tấn nông sản nhưng giá trị sản phẩm thấp, giá cả bấp bênh. Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, nông sản chế biến sâu tiêu thụ thị trường trong nước hoặc xuất khẩu có thể gia tăng giá trị thêm 3 - 10 lần so với bán thô. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã mời gọi doanh nghiệp trong nước và FDI đầu tư vào chế biến sâu, liên kết với các trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã tạo thành chuỗi nâng giá trị gia tăng cho nông sản.

Trong các đợt xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh đều mời gọi doanh nghiệp FDI “rót vốn” vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI mới chỉ chú ý đến khâu sơ chế trong chế biến mì, bắp, cà phê, hạt điều, lợn, gà, một số loại cây trồng có sản lượng lớn ở Đồng Nai vẫn còn “vắng bóng” doanh nghiệp ngoại tham gia chế biến, đặc biệt là 2 nhóm cây trồng có sản lượng lớn như: trái cây và rau lại rất hiếm công ty nước ngoài sơ chế, chế biến để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Theo các doanh nghiệp FDI, Đồng Nai là nơi có sản lượng nông sản, thực phẩm lớn nhưng đa số vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự đồng bộ về giống, quy trình và khó hình thành chuỗi từ vùng nguyên liệu - nhà máy sản xuất - xuất khẩu. Cộng thêm, nông nghiệp là lĩnh vực cần nhiều vốn, thời gian thu hồi vốn lâu, mức độ rủi ro cao nhưng chính sách ưu đãi, thu hút của Chính phủ chưa đủ hấp dẫn nên chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển lĩnh vực chế biến sâu nông sản.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho hay, thị phần lớn của ngành chăn nuôi ở Đồng Nai đã thuộc về những công ty FDI. Hộ chăn nuôi của tỉnh ngày càng bị thu hẹp nhất là sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi, người nông dân như con chim sợ cành cong, rất rón rén trong việc tái đàn mặc dù được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn phòng dịch từ chính quyền địa phương. Việc này càng khiến các đề án liên kết hợp tác thành chuỗi khép kín từ giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Thay đổi để "vươn ra biển lớn"

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới, Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên được nhắc đến bởi những cơ hội từ hiệp định trên dần được hình thành. Châu Âu là lục địa già có những yêu cầu khắt khe trong sản phẩm nông sản nhập khẩu, bởi vậy thay đổi là con đường duy nhất để nông sản Đồng Nai "vươn ra biển lớn". Những thay đổi đó phải xuất phát cơ chế, cách thức triển khai, mô hình sản xuất và phương pháp sản xuất đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ngoài chất lượng sản phẩm, các thị trường mới này cũng yêu cầu truy xuất được nguồn gốc và lao động sản xuất trực tiếp sản phẩm. Những điều này đặt ra yêu cầu mới cho sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng.

Về mặt cơ chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Lĩnh vực chế biến nông sản đang được tỉnh ưu tiên mời gọi các công ty FDI đầu tư. Tỉnh có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp “rót vốn” vào lĩnh vực nông nghiệp dựa trên Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo quy định, các doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu đãi sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất, tiếp cận tín dụng...”.

Đồng thời, Đồng Nai cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả sản phẩm nông nghiệp, nhất là đối với các vùng trồng cây ăn trái.

Tăng cường phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện chặt chẽ quy trình phòng chống dịch bệnh. Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản…

Công tác dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn cũng đặc biệt được chính quyền Đồng Nai đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ 4.0 nhất là trong nông nghiệp công nghệ cao.

"Sắp tới Đồng Nai sẽ hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, Đồng Nai cũng thu hút vốn FDI hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị với nông thôn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vinh cho biết.

Minh Anh