Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc

Sẵn sàng cho “con đường mới”

- Thứ Tư, 09/01/2019, 08:52 - Chia sẻ
Năm mới, Triều Tiên lại trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un vừa thực hiện chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Kéo dài 4 ngày (từ 7 - 10.1), đây là chuyến thăm dài nhất của ông Kim tới Trung Quốc so với 3 lần trước. Bên cạnh đó, nó còn được diễn ra trước những đồn đoán về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mối quan hệ “môi với răng”

Trung Quốc là đối tác ngoại giao và thương mại quan trọng nhất, được ví như “môi với răng” của Triều Tiên. Tình bằng hữu thân thiết hai bên từng có từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh và mối quan hệ đó vẫn tiến triển kể cả sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, sau khi trở thành thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã rút dần khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Thực tế, cho tới chuyến thăm đầu tiên tháng 3 năm ngoái, ông Kim đã không gặp ông Tập trong 6 năm liền sau khi lên cầm quyền.


Những năm gần đây, mối quan hệ song phương càng có phần sứt mẻ sau khi Bình Nhưỡng đẩy mạnh các hành động khiêu khích thông qua một loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân khiến Bắc Kinh nhiều lần tỏ ý không bằng lòng. Thậm chí, Trung Quốc còn ủng hộ các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Triều Tiên vì những hành động đó. Còn nhớ, đỉnh điểm vào cuối năm 2017, Bình Nhưỡng đã tiến hành tới 6 vụ thử hạt nhân và vụ thử phóng tên lửa có khả năng vươn tới nước Mỹ.

 Dẫu vậy, đất nước Vạn Lý Trường Thành luôn đóng vai trò quan trọng nhất định đối với Triều Tiên, nhất là trong cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Singapore. Bản thân lãnh đạo Kim còn bay sang quốc đảo sư tử bằng chuyên cơ Trung Quốc cho mượn. Thực ra, bắt đầu từ năm 2018, mối quan hệ Trung - Triều đã ấm lên rất nhiều song hành với những cái bắt tay Hàn - Triều và Mỹ - Triều. Chủ tịch Kim Jong Un đã có 3 hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước và sau các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong các cuộc gặp đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đều luôn khẳng định, việc phát triển quan hệ với Bắc Kinh đã mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, đồng thời mong muốn nó sẽ ngày càng phát triển thông qua việc tăng cường hiểu biết chung giữa hai bên.

GS. Yang Moo-jin, Đại học Hàn Quốc nhận xét, rất hiếm khi lãnh đạo Triều Tiên công du nước ngoài ngay đầu năm mới. Hơn nữa, theo báo chí xứ kim chi, chuyến đi còn được thực hiện đúng dịp sinh nhật của Chủ tịch Kim (8.1). Do đó, nó càng cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng.

Chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân tới Bắc Kinh trong bối cảnh thế giới có nhiều đồn đoán về khả năng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2. Tuần trước, trong diễn văn mừng năm mới, ông Kim đã tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ bất cứ lúc nào để đạt được mục tiêu chung liên quan đến vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo khả năng rẽ sang “con đường mới” nếu như Washington không nới lỏng lệnh trừng phạt và sức ép lên Bình Nhưỡng.

Theo Giám đốc Nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia có trụ sở tại Mỹ Harry J. Kazianis, “ông Kim rất muốn nhắc nhở chính quyền Mỹ đương nhiệm rằng Bình Nhưỡng có những lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác bên cạnh những gì Washington và Seoul có thể đưa ra”. Ông Kazianis cho biết, “con đường mới mà ông Kim đã đề cập có thể ngầm hiểu là tiến gần hơn với Bắc Kinh”. Bản thân Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí tại Washington Daryl Kimball cũng nhận định, ông Kim có thể đang tìm kiếm thêm sự ủng hộ và hỗ trợ của Trung Quốc đối với chính sách đối ngoại đã được đề cập trong thông điệp đầu năm 2019. Bên cạnh đó, chuyến công du còn mang ý nghĩa tăng vị thế của Bình Nhưỡng bằng sự bảo đảm an ninh của Trung Quốc trước thềm hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Washington.

Trong khi Trung Quốc và Nga đều cho rằng Liên Hợp Quốc nên xem xét nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên thì hôm Chủ nhật vừa qua, ông chủ Nhà Trắng vẫn khăng khăng rằng chúng phải được để nguyên trạng cho tới khi Mỹ nhìn thấy những kết quả “rất tích cực” liên quan đến vấn đề hạt nhân. Mặc dù không có thông tin chi tiết về chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo nhưng nhiều nhà quan sát phán đoán, nội dung của nó sẽ xoay quanh việc Triều Tiên tìm kiếm giải pháp có thể thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế nói trên, cũng như đạt được tuyên bố hòa bình để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, đồng thời có thêm cơ hội hỗ trợ kinh tế, thu hút đầu tư...

Thời điểm thăm Trung Quốc của ông Kim trùng với các cuộc đàm phán giữa quan chức Mỹ - Trung tại Bắc Kinh để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại hai bên. Chính vì thế, một số nhà phân tích phương Tây nhận định, Bắc Kinh có thể lấy lá bài Triều Tiên để mặc cả trong quá trình đàm phán, cho dù Trung Quốc luôn bác bỏ điều đó. Bản thân trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho rằng hạt nhân Triều Tiên và những khúc mắc thương mại Mỹ - Trung là hai vấn đề không liên quan. Nhà ngoại giao cấp cao này thậm chí ca ngợi “Trung Quốc thực sự là một đối tác tốt trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro cho thế giới khỏi khả năng hạt nhân của Triều Tiên”. 

Quang Hiệp