Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Sân chơi trí tuệ và thiết thực

- Thứ Bảy, 29/09/2018, 08:45 - Chia sẻ
Tạm khép lại sân chơi nghề nghiệp, các thầy cô giáo đại diện cho những người đào tạo nghề Thanh Hóa tham dự Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2018 lại trở về với công việc thường ngày bên các học trò thân yêu. Với họ, hành trình 7 ngày thật ngắn ngủi nhưng đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất. Bởi rời cuộc thi, mỗi người đều ít nhiều “mang về” những kinh nghiệm quý báu cho hành trang người thầy của mình.

Mỗi bài giảng là một kinh nghiệm quý

Đúng như thông điệp đầu năm của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Năm 2018 sẽ là năm đột phá của giáo dục nghề nghiệp. Ngoài hàng loạt các chuyển động và đổi mới từ công tác truyền thông, sáp nhập và kiên quyết cắt bỏ những cơ sở đào tạo yếu kém… có thể nói, chưa bao giờ việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề lại được quan tâm đến vậy. Không khí thi đua ở từng tiết học diễn ra sôi nổi trong toàn ngành, mà đỉnh cao là Hội giảng Nhà giáo giáo dục toàn quốc 2018. Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay, các bài dự giảng không chỉ phong phú ở phương pháp mà còn đa dạng ở lĩnh vực ngành nghề. Các nhà giáo đã mang đến sân chơi nghiệp vụ của mình những điều tâm huyết. Đó là kinh nghiệm được chắt lọc từ những giờ giảng trên lớp; là sự tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn tại trường, tại doanh nghiệp. Đặc biệt, các bài tham gia trình giảng tại hội giảng năm nay hầu hết thuộc các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học - kỹ thuật hiện đại.

Lần đầu tiên tham dự Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, cô Lã Thị Thu - giáo viên Khoa Điện, Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn, Thanh Hóa không tránh khỏi những căng thẳng. Phần vì choáng ngợp trước sự tham gia của đông đảo các đồng nghiệp, các doanh nghiệp, học sinh trên cả nước; phần vì các giám khảo khá khắt khe… Hơn nữa, bài trình giảng “Lồng dây vào rãnh stard động cơ không đồng bộ ba pha” là bài giảng quấn động cơ nên rất dễ gây nhàm chán cho học sinh. Chính vì vậy, người dạy phải dùng nhiều phương pháp giảng tích hợp để lôi cuốn học sinh. “Tuy nhiên, trước khi trình giảng, tôi kịp chứng kiến các phần thi khác của các đồng nghiệp nên đã rút ra nhiều bài học cho phần thi của mình” - cô Thu chia sẻ.

Theo cô Lã Thị Thu, gần 3 tháng cô trò luyện tập liên tục không nghỉ; cùng với đó là sự hỗ trợ về nguyên vật liệu, thời gian cũng như các vấn đề thao giảng, dự giờ, mời chuyên gia góp ý bài giảng của ban giám hiệu nhà trường; sự giúp đỡ nhiệt tình trong công tác chuẩn bị của các đồng nghiệp đã khiến cô Thu vô cùng tự tin. Khi tham gia hội giảng, bản thân cô Thu và các thầy cô giáo khác đã học hỏi được rất nhiều điều, từ phương pháp giảng dạy, chuyên môn đến kỹ năng sư phạm. “Chắc chắn, tôi sẽ áp dụng những kinh nghiệm quý báu này vào các bài giảng cho học trò, để thu hút các em đến với trường nghề nhiều hơn nữa” - cô Thu nói.


Cô Lã Thị Thu với các học trò Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn 
Ảnh: Đức Kiên

Thầy giỏi mới có trò giỏi!

Trước những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0, người thầy dạy nghề phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực tiễn nghề nghiệp vào từng tiết giảng. Vì thế, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã thu hút trên 1.700 nhà quản lý và giáo viên các trường nghề trong cả nước đến học hỏi.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn Nguyễn Ngọc Minh, cô giáo Lã Thị Thu, giáo viên của Nhà trường là một trong 9 giáo viên đại diện cho đoàn Thanh Hóa với phần trình giảng nổi bật đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Đặc biệt, nghề điện công nghiệp với số lượng thí sinh dự thi đông nhất, giáo viên dự thi đa phần đến từ các trường là đại học, cao đẳng trong cả nước, nên đoạt giải Nhì là thành tích đáng tự hào. Chúng tôi đến để học tập những phương pháp đào tạo nghề từ các trường bạn” - Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Minh cho biết.

Nhiều nhà quản lý trường nghề đến tham gia hội giảng cũng nhận định, đối với giáo dục nghề nghiệp thì mọi hoạt động đều lấy người học làm trung tâm. Vì thế, giáo viên phải dựa vào năng lực người học để thiết kế bài giảng phù hợp nhất. Không chỉ vậy, giáo viên còn đảm nhiệm vai trò của người dẫn dắt, chỉ lối cũng như thuyết phục người học cả về kiến thức cũng như huấn luyện kỹ năng để học nghề đi đến đích: Có việc làm và tự tạo việc làm. Bởi vậy, xu hướng giảng bài theo hướng tích hợp là tối ưu để truyền tải kiến thức và hình thành kỹ năng. Khi nhà giáo kết hợp 2 yếu tố này sẽ hình thành được năng lực thực hiện đối với người học để đảm nhiệm tốt nhiệm vụ nghề nghiệp trong tương lai.

Hội giảng thu hút 373 nhà giáo thuộc 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tham gia trình giảng ở 90 nghề. Kết thúc hội giảng, có 48 nhà giáo đoạt giải Ba; 32 nhà giáo đoạt giải Nhì; 16 nhà giáo đoạt giải Nhất; Đoàn Thanh Hóa tham gia với 9 bài giảng ở 5 nghề, đã giành 1 giải Nhì, 3 giải Ba.

___________

Đáp ứng yêu cầu nhân lực trong thời kỳ hội nhập, nhà trường mở các lớp học nghề theo ba cấp. Bình quân mỗi năm học có 650 - 750 học viên tốt nghiệp ra trường. Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhà trường còn chú trọng làm tốt công tác giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Học sinh đào tạo đến đâu, đều được các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh về đặt hàng và tuyển dụng đến đó.

 Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn Nguyễn Ngọc Minh

Bình Nhi