Góc nhìn

Sạch.. tạm thời!

- Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:19 - Chia sẻ
Đồng thời với việc áp dụng thử nghiệm các công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức với kỳ vọng làm sạch và hồi sinh sông Tô Lịch, những ngày vừa qua, con sông này lại đón nhận thêm 1 triệu mét khối nước từ hồ Tây. Nhiều người dân phấn khởi, tràn trề hy vọng sông chết sẽ hồi sinh. Thế nhưng đáng buồn, đây vẫn chỉ là hy vọng, là mong mỏi bởi sau khi ngừng nhận nước từ hồ Tây, sông Tô Lịch vẫn là sông chết.

Sông Tô Lịch chỉ sạch tạm thời là bởi nếu ngừng nhận nước từ hồ Tây, sông sẽ không còn dòng chảy. Và nguyên nhân căn cốt nữa đã được chỉ ra từ rất lâu nhưng lại không được giải quyết một cách triệt để đó là tách - cắt nước thải sinh hoạt, sản xuất hoặc xử lý trước khi cho xả vào sông vẫn chưa được thực hiện. Phương án tiếp theo đó là phải có nguồn nước tự nhiên đủ lớn để cung cấp cho sông nhằm tạo dòng chảy. Nhiều năm trước, có ý kiến cho rằng nên dẫn nước sông Hồng vào nhưng phương pháp này không thể thực hiện được do việc đào lại dòng chảy rất khó bởi ngoài yếu tố chi phí còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác về môi trường, xã hội. Bởi vậy, việc xả hàng triệu mét khối nước hay sử dụng các công nghệ khác, dù chưa có kết quả đánh giá chính thức của các cơ quan chức năng nhưng xem ra kỳ vọng hồi sinh sông Tô Lịch vẫn xa vời, thậm chí là phi thực tế.

Tại Kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, có ý kiến đề nghị thành phố xem xét cống hóa đối với một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước như sông Tô Lịch, Kim Ngưu. Bởi việc cống hóa các con sông, kênh mương sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải, đồng thời làm tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông. Thế nhưng, ý kiến này không nhận được nhiều đồng thuận. Bởi rằng, không thể đơn thuần cứ ô nhiễm thì lấp, thì cống hóa là xong. Điều cần tính đến ở đây chính là việc hồi sinh dòng sông để tạo cảnh quan môi trường, sinh thái. Hơn nữa, Tô Lịch không chỉ đơn thuần là một con sông - dẫu giờ đây nó chỉ là sông chết mà nó còn có ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh... nên không thể ứng xử với nó theo cách quá đơn giản và thông thường là lấp hay cống hóa.

Trong nỗ lực cứu sông Tô Lịch, giải pháp mới nhất đã được Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội trình UBND thành phố đó là Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm công suất 156.000m3/h dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây, sau đó nước sẽ được xả từ hai cửa Hồ Tây A và B chảy vào sông Tô Lịch. Phương án nêu trên sẽ đồng bộ với các giải pháp đang và sẽ tiến hành là xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá nhằm làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ và đầu tư hệ thống cống hai bên sông để thu gom nước thải - giúp sông Tô Lịch không còn nguồn gây ô nhiễm.

Hàng chục năm qua, TP Hà Nội đã đưa ra và thực hiện nhiều kế hoạch nhằm khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng đều không hoặc ít đem lại hiệu quả. Nguyên nhân thì vì sao thì đã rõ, vấn đề ở đây là dù khó - rất khó nhưng Hà Nội có quyết tâm, kiên trì thực hiện hay không. Một ví dụ rất đáng để TP Hà Nội tham khảo đó là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP Hồ Chí Minh. Trước đây, con kênh này cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng nay đã được cải thiện đáng kể. Bởi vậy, người dân Thủ đô hoàn toàn có thể hy vọng vào cả những giải pháp trước mắt và lâu dài, để một ngày nào đó, sông Tô Lịch sẽ trở lại xanh trong. 

Linh Trang