Sắc xuân Yên Trung

- Thứ Sáu, 19/02/2016, 08:29 - Chia sẻ
Về xã Yên Trung, huyện Thạch Thất nơi từng được coi là “rốn nghèo”của Thủ đô, trong sắc xuân ngập tràn trên khắp các nẻo đường, niềm vui của chúng tôi được nhân đôi bởi cuộc sống người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Đặc biệt hơn, khi về với Hà Nội, đồng bào Mường nơi đây vẫn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, hòa chung văn hóa Thủ đô.

Xã nghèo khởi sắc

Yên Trung vốn là một xã nghèo thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của Thủ đô, 7 năm về trước còn là xã đói điển hình của tỉnh Hòa Bình và hiện còn hưởng chính sách từ các chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhưng nhờ sự quan tâm từ Trung ương đến các cấp chính quyền Hà Nội, cùng với nỗ lực vươn lên của người dân nên đến nay, Yên Trung đã thoát khỏi danh sách đói triền miên, số hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn chưa đầy 100 hộ. 

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm vào thôn Hương - nơi từng được coi là “rốn nghèo” của Hà Nội, nằm ở cực tây của xã, huyện với 51 hộ dân sinh sống, nhưng đến nay cũng đã khởi sắc hơn. Trong cuộc nói chuyện với ông Nguyễn Văn Định - trưởng thôn Hương, chúng tôi được biết, đến những chuyện như lãnh đạo đi tát nước cùng dân, rồi chủ tịch xã cũng “tăng gia” bằng cách lên nương... tất cả đều diễn ra ngay tại một địa phương thuộc Thủ đô khiến câu chuyện càng thêm phần thú vị. “Lãnh đạo xã lo cho dân lắm, lúc nào cũng quan tâm bà con chuẩn bị và vui Tết ra sao. Nay, đời sống bà con khấm khá nhiều rồi” - ông Định cho biết.


Thiếu nữ Mường say sưa với tiếng chiêng   dân tộc trong những ngày xuân mới

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Phương - Chủ tịch UBND xã Yên Trung không khỏi xúc động khi nói về tình hình địa phương sau 7 năm sáp nhập về Thủ đô. Theo ông Phương, nhờ được sáp nhập vào Hà Nội mà cuộc sống của người dân đã bớt khó khăn, Chương trình 135 được triển khai rộng rãi đã xóa bỏ 100% nhà tranh; 100% người dân trong xã đã có điện dùng, dù chưa thực sự ổn định. Theo ông Phương, dân số tại Yên Trung chủ yếu là người dân tộc (85% là dân tộc Mường), song tỷ lệ sinh con thứ 3 tại xã chỉ chiếm 4%, trong khi đó tỷ lệ chung của huyện từ 17 - 18%.

Rộn tiếng chiêng Mường

Dẫn chúng tôi đến nhà văn hóa truyền thống, nơi lưu giữ những bản sắc của dân tộc Mường, là tụ điểm văn hóa chính của xã trong những ngày lễ hội, ông Phương vui vẻ nói: “Bà con luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhưng cũng tiếp thu những nét văn hóa mới, tiến bộ của anh em dân tộc Kinh”.

Theo quan niệm truyền thống của xứ Mường, Tết không bắt đầu từ ngày ông Công, ông Táo như của người Kinh, Tết chỉ thực sự bắt đầu từ 27 tháng Chạp. Ông Nguyễn Tiến Buông, nguyên Chủ tịch UBND xã cho hay, khi về với Thủ đô, văn hóa và phong tục của tộc Mường tại Yên Trung đã ít nhiều có sự ảnh hưởng với việc đón Tết sớm hơn, ngày Tết đã có giò chả, việc thờ cúng cũng nhẹ nhàng hơn.

Ẩm thực được coi là nét văn hóa độc đáo không thể thiếu của người Mường trong ngày Tết. Cùng với bánh chưng, mâm cỗ cúng lễ không thể thiếu ba thứ đặc sản: bánh chéo kheo, nem chua hun và cá đồ. Tất cả được lựa chọn từ chính những nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Vào đêm Giao thừa, người Mường thường làm hai mâm cỗ để cúng tổ tiên và thần cai quản đất đai. Ngoài những tục khá gần với người Kinh, người Mường còn có tục khá lạ lẫm là “cho trâu ăn trước” trong ngày Tết. Sau khi hoàn thành các thủ tục cúng lễ đêm Giao thừa, trâu sẽ được cho ăn cỏ trước khi gia đình ăn cơm năm mới. Bởi theo quan niệm của người Mường, trâu phải làm vất vả cả năm và phải đi làm sớm nên được ăn trước.

Đến xứ Mường những ngày xuân, từ sáng sớm tiếng chiêng, tiếng cồng rộ lên không dứt. Trẻ nhỏ say sưa với các trò chơi đánh pao, ném còn..., thanh niên thì tụ tập hát đối, hát đáp bên nhà sàn. Những phụ nữ Mường tất bật mở thêm vò rượu, lo bữa cơm thịnh soạn đón chờ bạn bè đến chơi. Ngày chúng tôi về, bà con nơi đây đã bước vào vụ mùa mới. Trong không khí lao động khẩn trương, tiếng kèn, tiếng chiêng vẫn vang vọng như đón mùa xuân đang giăng tràn xứ núi.

Nguyên Khôi