Sắc màu mới trong chất liệu truyền thống

- Thứ Tư, 25/03/2020, 08:28 - Chia sẻ
Cùng theo trường phái biểu hiện và trừu tượng, gắn bó với chất liệu sơn mài, đó là điểm chung của 4 họa sĩ: Nguyễn Văn Chuyên, Mai Đắc Linh, Diệp Quý Hải và Trần Ngọc Hưng. Tác phẩm của họ cùng hội tụ tạo sự đa sắc màu trong triển lãm “Tranh sơn mài - Biểu hiện và Trừu tượng”, đang diễn ra tại Lunet Art Galerie, số 1 Thanh Niên, Hà Nội.

Đa sắc, giàu nhịp điệu

Gần 40 tác phẩm, mỗi họa sĩ mang phong cách khác nhau, hợp thành một triển lãm đầy nhịp điệu và sắc màu cuộc sống. Yêu thích những tác phẩm sơn mài mang dấu ấn của kỹ thuật truyền thống, tôn trọng chất liệu, khả năng biểu đạt của sơn mài, họa sĩ Mai Đắc Linh mang tới những tác phẩm tông màu trầm, đưa người xem trở về với một phương Đông thời xưa cũ. Có tác phẩm khiến người ta liên tưởng tới chất men như đồ đồng nhuốm màu thời gian. Trên nền màu trầm ấy, người ta vẫn thấy được ánh sáng lấp lánh đầy màu sắc. Từng gắn bó với giấy dó trước khi chuyển sang chất liệu sơn mài, họa sĩ Mai Đắc Linh cho biết: “Nghệ sĩ đã làm việc với sơn mài thì mê đắm nó, bởi trong lúc sáng tạo, chất liệu này vẫn mang lại bất ngờ, tạo ra những hiệu quả thú vị. Không giống các chất liệu khác, với sơn mài, người sáng tạo không hoàn toàn định trước được”.


Phong cách biểu hiện và trừu tượng trên chất liệu sơn mài Ảnh: Lunet Art

20 năm nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật sơn mài, họa sĩ Diệp Quý Hải không muốn rơi vào tình trạng trùng lặp, mà muốn thể nghiệm làm phong phú thêm cho chất liệu này. Anh đã hoàn thành nhiều tác phẩm hay, độc đáo, đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, không những ở số lượng tác phẩm, chất lượng nghệ thuật, mà còn ở ngay trong những bước khai thác kỹ thuật của chất liệu dân tộc độc đáo. Trong triển lãm, các tác phẩm của Diệp Quý Hải màu sắc rực rỡ, tươi mới, đậm chất phương Đông, còn hình khối lại rất phương Tây, có sự đối lập âm dương, vuông tròn, lồi lõm... Không diễn tả trực tiếp, kể tả một chủ đề, thông qua tạo hình, quan niệm hội họa, anh đưa lại những cảm giác để khán giả cùng chia sẻ.

Trong các tác phẩm của mình, họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên lại vẽ những mảng sáng trên nền tối. Trừu tượng của nghệ sĩ đi ngược người khác, tức là vẽ cái vô hình thành có hình, thay vì biến cái hữu hình thành vô hình. Họa sĩ Trần Ngọc Hưng lại tràn đầy năng lượng với những đường vòng, đường ngoằn rất lớn. Anh có đức tin với một bảng màu mới của sơn mài, bởi thế, tác phẩm của anh đầy sự khám phá, có khi nhiều màu sắc, có khi lại đơn sắc... Họa sĩ Trần Ngọc Hưng cho biết, các tác phẩm của anh lấy cảm hứng từ thiên nhiên, từ những trầm tích qua năm tháng. Được đào tạo chính quy về sơn mài, lại làm về phục chế trên chất liệu này, anh không chỉ tiếp xúc, bảo tồn các tác phẩm sơn mài của các họa sĩ thế hệ trước, mà còn theo đuổi sáng tạo trên chất liệu truyền thống để thỏa mãn chính mình, dù con đường này có nhiều vất vả, như anh so sánh “họa sĩ vẽ chất liệu khác trong một năm có khi bằng họa sĩ sơn mài làm cả đời”.

Lợi thế của nghệ thuật Việt

Năm 2019, Lunet Art Galerie đã gây ấn tượng với giới phê bình nghệ thuật, nghệ sĩ và đặc biệt là công chúng yêu nghệ thuật khi tổ chức triển lãm tác phẩm tranh sơn mài của các nghệ sĩ tên tuổi với chủ đề “Sơn ta vóc Việt”. Mở màn cho năm 2020, Lunet Art đã dày công sưu tầm, giám tuyển, tuyển tập gần 40 tác phẩm sơn mài theo chủ đề “Biểu hiện và trừu tượng”. Theo Giám đốc nghệ thuật Luneta Phan: “Hai triển lãm này bổ sung cho nhau về phong cách hội họa trên cùng chất liệu. Triển lãm trước đó thiên về hàn lâm và cổ điển, lần này là biểu hiện và trừu tượng, cho thấy sơn mài có đầy đủ tính chất của chất liệu hội họa”.

4 họa sĩ tham gia triển lãm lần này là những người chuyên về trường phái biểu hiện và trừu tượng, lựa chọn con đường rõ ràng, có ngôn ngữ riêng. Theo các nhà chuyên môn, phong cách biểu hiện và trừu tượng ra đời khoảng hơn 100 năm ở phương Tây và đến nay được đẩy mạnh hơn. Đây là phong cách đương đại, khác với phong cách hàn lâm, cổ điển. Còn sơn mài lại là chất liệu truyền thống đặc sắc của Việt Nam, rất phương Đông. Các tác phẩm lần này cho thấy phong cách biểu hiện trừu tượng của phương Tây được thể hiện một cách hài hòa, nhuần nhị trên chất liệu đậm chất phương Đông.

“Nghệ thuật sơn mài thể hiện tính truyền thống, tính nội tại, là ưu thế, lợi thế quốc tế của Việt Nam, bởi đây là cái nôi của chất liệu hội họa độc đáo này. Với các triển lãm của mình, Lunet Art tận dụng lợi thế văn hóa Việt Nam, cũng đúng theo định hứng của Lunet là các tác phẩm phải có giá trị văn hóa. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy quảng bá chất liệu sơn mài của Việt Nam, giúp người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, vì nó quá đẹp, có nhiều họa sĩ tài năng” - bà Luneta chia sẻ. Thế giới nhiều năm nay đã trăn trở trong chất liệu, các nghệ sĩ đi tìm tòi chất liệu thể hiện. Với Việt Nam đã có chất liệu sơn mài, chúng ta cần biến thể hóa, đẩy cao, tăng tính hàn lâm của nó. Thực tế, tác phẩm sơn mài Việt Nam từng đạt giải mỹ thuật quốc tế ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Nhưng nếu làm tốt, chúng ta không chỉ có họa sĩ có tên trong danh sách họa sĩ quốc tế, mà chất liệu sơn mài của Việt Nam cũng có tên trên bản đồ nghệ thuật quốc tế.

Thảo Nguyên