Sắc màu cao nguyên đá

- Thứ Bảy, 31/08/2019, 09:02 - Chia sẻ
Hình ảnh khách du lịch quốc tế hào hứng vượt đèo bằng xe máy; nhưng đoàn khách tới tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như: Cổng trời Quản Bạ, núi đôi Cô Tiên, tường thành Cán Tỷ, thung lũng hoa tam giác mạch, di tích nghệ thuật kiến trúc Nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, cột cờ quốc gia Lũng Cú… mà chúng tôi được chứng kiến, đã đem lại những sắc màu tươi sáng cho cao nguyên đá Đồng Văn.

Tuy chỉ có hai ngày công tác ở Hà Giang, nhưng Đoàn công tác của QH do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn vẫn dành trọn một ngày dài để đi thăm 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc để tới gần hơn, hiểu biết sâu hơn các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đây là 4 huyện cực Bắc của nước ta hình thành nên cao nguyên đá Đồng Văn, đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu với những giá trị di sản địa chất, địa mạo, kiến tạo, hóa thạch tầm cỡ thế giới cũng như các hang động hoang sơ ẩn mình trong các dãy núi đá vôi hùng vĩ.


Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang Nguồn: ITN

Với lợi thế là nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông và Tây Bắc, dựa vào lịch sử văn hóa lâu đời riêng có của đồng bào Mông, Dao, Pà Thén, Lô Lô… Hà Giang đã lựa chọn dịch vụ du lịch làm một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của mình với trên 1 triệu du khách/năm. Các làng văn hóa du lịch gắn với làng nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm ở Lùng Tám, Quản Bạ, làm khèn Mông ở Đồng Văn, chạm bạc của đồng bào Dao ở Cao Bồ, nghề rèn đúc Mèo Vạc, rồi nấu rượu, chế biến chè,… gắn với trải nghiệm homestay để khám phá văn hóa, cuộc sống thực của đồng bào các dân tộc đang đặc biệt thu hút du khách trong nước và quốc tế. Hà Giang hiện đang tiếp tục triển khai 11 làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với dược liệu bản địa, dự kiến sẽ rất thu hút du khách quan tâm đến sức khỏe của mình.
Được vinh dự đứng Cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng ở độ cao 1.500m ai ai cũng rung động, tự hào về chủ quyền quốc gia thiêng liêng ở điểm Cực Bắc của Tổ quốc với là cờ đỏ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S tung bay trong gió. Tôi không ngờ lại là người hiếm hoi có may mắn được chạm tay vào lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc đó khi lá cờ bất ngờ rủ xuống trong giây lát, đúng lúc đứng trên đỉnh cột cờ.

Hà Giang hiện đang vươn lên thoát nghèo với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP trung bình 6 - 7%/năm, thu ngân sách đạt trên 2 nghìn tỷ đồng/năm, 38 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019, số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân trên 4%/năm… Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải cho chúng tôi biết, Hà Giang đang phấn đấu trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc vào năm 2020, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thành trung tâm du lịch quốc gia vào năm 2030.

Có được tận mắt nhìn những chú bò cày trên nương đá, rồi đồng bào bỏ đất trồng ngô trong mỗi hốc đá tai mèo nhọn sắc, mới cảm thông với mong muốn của đồng bào 4 huyện trên cao nguyên đá Đồng Văn vào sự hỗ trợ của Trung ương để  xây dựng 260 hồ treo trên núi cung cấp nước sinh hoạt và tạo kế sinh nhai.

Có được nghe câu chuyện của những nguời lính quả cảm, anh dũng trên mặt trận Vị Xuyên anh hùng trong 10 năm (1979 - 1989) ròng rã “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá thành bất tử” với hơn 4 nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh mới thấy người dân Hà Giang cần được hưởng một cuộc sống khá giả hơn để cùng cả nước tiếp tục giữ vững bờ cõi giang sơn thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó, ngoài “Con đường Hạnh phúc” Bác Hồ cho mở vào những năm 1959 - 1965, Hà Giang rất cần được kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, với các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, các tỉnh lộ, các tuyến đường tỉnh, đường tuần tra biên giới - phên giậu của quốc gia…

Tiếng hát của chị Lý Trung Kiên, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn với ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” do chính mẹ chị là bà Sùng Thị Mai sáng tác có giai điệu thiết tha đậm chất dân tộc Mông và ca từ trong sáng, da diết trong buổi giao lưu với Đồn biên phòng Lũng Cú đã làm chúng tôi vô cùng xúc động: “Từ nay có Đảng, có cách mạng đến, các dân tộc hát mừng vui. Khắp những vùng rừng vang những điệu khèn, các dân tộc hòa lời ca. Chim hót mừng, cây rừng rung vẫy chào. Ơn Chính phủ đến xóa nghèo đói từ bao đời, mang hạnh phúc đến khắp miền, từ nay ấm no được học hành, khắp vùng cao xây dựng, điện đã mang về, cho vùng cao tỏa sáng”. Đây là bài hát cùng tên với bài hát “Người Mèo ơn Đảng” năm 1956 nổi tiếng của nhạc sĩ, nhà báo - chiến sĩ Thanh Phúc, người đã sáng tác bài “Hà Giang quê tôi” đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. 

Phát huy thế mạnh, lợi thế so sánh do điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, sức mạnh của tinh thần cách mạng quật cường, lịch sử lâu đời hùng tráng, văn hóa đa dạng, đặc sắc hiếm có của 19 dân tộc anh em, Hà Giang chắc chắn sẽ đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong kế hoạch 2016 - 2020 và chuẩn bị bước vào thời kỳ phát triển cao hơn hướng tới các cột mốc năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước với một tâm thế mới, quyết tâm mới, trở thành một tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc.

Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII