Chính sách về tài nguyên nước của Israel

Sa mạc nở hoa

- Chủ Nhật, 21/07/2019, 08:43 - Chia sẻ
Khi những người Do Thái đầu tiên đã đặt chân trên rẻo đất giữa vùng Địa Trung Hải và Jordan, vùng đất này ít người, gần như không có màu xanh và rất ít nước. Bình quân đầu người, mỗi người dân Israel chỉ có khoảng 233m3 nước từ nguồn nước tái sinh trong khi bình quân đầu người trên thế giới là 6.000m3. Nhưng giờ đây quốc gia ấy đã khiến sa mạc nở hoa. Làm thế nào Israel vượt qua cuộc khủng hoảng tài nguyên nước và tự sản xuất được một nguồn nước dồi dào như vậy?

Từ triết lý đến tâm linh

Trong cuốn “Giải pháp Israel cho một thế giới khát nước - Con đường thoát hạn” của nhà xã hội học, một luật sư và cũng là một doanh nhân người Mỹ Seth M. Siegel năm 2015 đã cho thấy, Israel đã biến nước từ một tài nguyên khan hiếm trở thành một ngành kinh tế có doanh thu lớn của quốc gia. Người giới thiệu cuốn sách này đã dùng hình ảnh có thật và rất nên thơ để diễn tả rằng: “Nước ở Israel đã làm sa mạc nở hoa”, và giải pháp Israel không chỉ là lối thoát cho một thế giới, cho mỗi quốc gia hiếm nước hiện nay mà còn là con đường để đi lên văn minh, giàu có.

Triết lý về phát triển ngành kinh tế nước của Israel là: Người sản xuất nước phải là người khai thác, biến tài nguyên nước thành hàng hóa nước cho cộng đồng. Người sử dụng nước phải là người trả tiền thích hợp theo giá cả về nước cho các phí tổn của quá trình biến nước tài nguyên thành nước hàng hóa theo các mục đích sử dụng khác nhau tại địa điểm và thời gian giao nhận xác định. Khi đọc về cơ chế “Quản lý hệ thống nước quốc gia Israel”, chúng ta sẽ tìm ra cẩm nang đặc biệt hấp dẫn không chỉ cho những quốc gia hiếm nước như Israel, mà cho cả những quốc gia dư thừa nước. Israel đã có nhiều nỗ lực đầu tư và tìm ra nhiều nguồn nước, gồm nước mặt từ các dòng sông nội địa và xuyên quốc gia, từ các tầng nước ngầm tại chính vùng sa mạc, từ nguồn khử nước mặn thành nước ngọt, từ xử lý để tái sử dụng trên 95% tổng lượng nước thải và từ nước mưa, thậm chí từ nguồn nước mưa nhân tạo, từ công nghệ sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, chống rò rỉ và từ “một nền văn hóa tôn trọng nước”.

Ngành kinh tế nước tại Israel không chỉ là môn học giáo dục ý thức quý trọng nước trong các nhà trường, mà sự quý trọng nước còn được thể hiện trong tâm linh của con người. Về mặt ngôn ngữ, kinh thánh Hebrew là một tài liệu tràn ngập nước: Từ “giọt nước” được nhắc đến 35 lần, từ “lũ” xuất hiện 61 lần và từ “đám mây” xuất hiện 130 lần, còn riêng từ “nước” thì được tìm thấy 600 lần...!”.

10 bài học giá trị

Ý nghĩa lớn nhất về cơ chế quản lý nước của Israel giúp chúng ta hiểu sâu hơn những triết lý về nước - triết lý về ý tưởng, về thái độ, về sự đe dọa, về thái độ ứng phó và về cách “biến nước thành vàng” nhờ cơ chế thị trường cho mọi quốc gia khan hiếm, hay dư thừa nước. Bao trùm lên các bài học đó là nước có giá trị và giá trị gia tăng theo sự phát triển kinh tế - xã hội của cả thế giới. Triết lý đó được đúc kết qua 10 bài học then chốt sau:

Thứ nhất, bản chất nước thuộc sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước đóng vai trò thay mặt toàn dân để quản lý nước bằng pháp luật nghiêm ngặt và bằng chính sách thương mại hóa.

Hai là, nước rẻ là nước đắt. Tất cả các quan niệm “nước là của trời cho” đã trở thành mối đe dọa của chính nước với con người: Thiếu nước thì di cư hoặc chiến tranh vì nước; thừa nước thì phung phí và phá hoại môi trường. Sự thiếu và sự thừa này dù bao cấp với giá nước bằng 0, thì từng quốc gia nói riêng và loài người nói chung sẽ sớm phải trả giá cực kỳ đắt cho những vấn nạn về nước, cả nạn do nước thiếu lẫn nạn do nước thừa.

Ba là, lấy tiền thu từ nước để chi tiêu cho phát triển ngành nước. Nói gọn lại là lấy nước nuôi nước và phát triển nước trong sạch theo nhu cầu dùng nước.

Bốn là, nhà điều tiết nước không đồng thời là chính trị gia. Đây là bài học mang tính cách mạng của ngành kinh tế nước. Dù nước là sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước và toàn dân không thể biến nước tài nguyên thành hàng hóa, càng không thể tạo ra nước sử dụng từ nước mặn, từ nước thải hay làm ra nước từ mưa nhân tạo được. Quản lý nước và điều phối nước chỉ có thể công bằng, minh bạch và có trách nhiệm thông qua cơ chế thị trường và kỹ thuật quản lý bằng “kỹ trị” và luật pháp chứ không thể bằng “hành chính trị hay chính trị trị”.

Năm là, sử dụng nước để liên kết các vùng trong nước và các quốc gia có cùng lưu vực dòng chảy. Nước không chỉ là vật chất để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nước còn là lý do để con người xích lại gần nhau, các vùng và cả quốc gia xích lại gần nhau, thậm chí là lý do để các quốc gia có cùng lưu vực dòng chảy phải lập các ủy ban chung về quản lý nước.

Sáu là, kiến tạo một nền văn hóa tôn trọng nước “phủ sóng” đến mọi nhà trường và mọi công dân.

Bảy là, tổ hợp các lợi ích và nghĩa vụ về nước để hiện thực hóa nền văn hóa nước đưa vào trường học và các cơ quan thông tin để phổ cập các nguyên tắc và ý thức về nước đến toàn xã hội.

Tám là, đổi mới ngành kinh tế nước. Song song với nước, các ngành “ăn theo” hàng hóa nước cũng rất cần phát triển. Đây chính là khu vực hình thành trí tuệ quốc gia về khoa học chinh phục nước trong quá trình thương mại hóa tài nguyên nước ở đẳng cấp ngày một cao hơn.

Chín là, đo lường và giám sát. Mọi gia đình và doanh nghiệp phải nối đường dẫn nước thải của mình ra các nhánh đường nước thải trong khu vực để dẫn đến các bể chứa tập trung ở các trung tâm xử lý của tổng công ty nước quốc gia. Đồng thời, mọi gia đình và doanh nghiệp dùng nước sau công trình phải có đường dẫn vào qua đồng hồ đo nước. Tuyệt đối không cho phép bất cứ đường nước thải nào được đổ trực tiếp ra mặt đất hay sông hồ và tất cả các hộ dùng nước phải trả tiền sử dụng.

Cuối cùng, quy hoạch hôm nay cho ngày mai và tương lai dài hạn. Công ty Nước Quốc gia phải biết rõ 5 năm, 10 năm và 50 năm tới, các dòng vào và dòng ra của hệ thống nước quốc gia sẽ ra sao để hành động suôn sẻ trên nguyên tắc bảo vệ và phát huy giá trị của nước trên thị trường và trong đời sống kinh tế - xã hội.

Đạt Quốc