CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC HÀ NGỌC CHIẾN

Rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:15 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Từ thực tiễn giám sát, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc HÀ NGỌC CHIẾN cho biết, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi là hoàn toán đúng đắn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Điều đáng mừng nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng ý thức tự thân nỗ lực, vươn lên. Lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ngày càng bền chặt.

Ưu tiên bố trí nguồn lực giải quyết khó khăn đặc thù

- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Hội đồng Dân tộc đã triển khai nhiều cuộc giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách dân tộc. Qua khảo sát, giám sát, ông đánh giá thế nào về tình hình KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi?


Ảnh: Hoàng Ngọc

Hiến pháp 2013 và các văn bản chính sách, pháp luật đều sử dụng những khái niệm “miền núi”, “vùng cao”, “bãi ngang”, “hải đảo”, “vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, “vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn”, “vùng khó khăn”... để xác định đối tượng, địa bàn ưu tiên, nhưng chưa được quan tâm, giải thích, làm rõ, thống nhất về nội hàm các khái niệm. Vì vậy, việc phối hợp giữa các bộ, ngành rà soát, xây dựng bộ tiêu chí thống nhất dùng làm căn cứ phân định bảo đảm khách quan, khoa học, hợp lý để sử dụng chung cho công tác quản lý nhà nước là hết sức cần thiết.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
Hà Ngọc Chiến

- Hoạt động giám sát từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIV đến nay được Hội đồng Dân tộc rất quan tâm, xác định là một trong các nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung triển khai thực hiện. Kết quả giám sát đã khẳng định chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS - MN). Việc thực hiện chính sách dân tộc tiếp tục được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, với nguồn lực đầu tư ngày càng tăng. Từ đó, KT - XH vùng DTTS - MN có bước phát triển mạnh mẽ, an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều khu vực có đông đồng bào DTTS giảm mạnh.

 Cơ sở hạ tầng vùng DTTS - MN được chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Đến hết năm 2016, số thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đạt 72%; xã có trạm y tế kiên cố và bán kiên cố đạt 98,8%; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới thắp sáng đạt 93,9%; tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 73,6%... đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa miền núi với miền xuôi và giữa các dân tộc.

Điều đáng mừng nhất là trình độ dân trí được nâng cao, đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng có ý thức tự thân nỗ lực, cố gắng vươn lên. Lòng tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được tăng cường, củng cố. Khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển đất nước ngày càng lớn mạnh.

- Thành quả đạt được là rất đáng ghi nhận, nhưng so với mặt bằng chung, thì đồng bào vùng DTTS - MN còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đâu thưa ông?

- Năm 2016, cả nước còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo, thì đồng bào DTTS có 956 nghìn hộ nghèo. Chỉ có 14,6% dân số là người DTTS, nhưng chiếm tới 48,16% số hộ nghèo trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS - MN chỉ bằng 44% bình quân chung của cả nước, còn hàng chục nghìn hộ DTTS thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt… Ngân sách nhà nước bố trí cho việc thực hiện chính sách dân tộc, nhất là các chính sách đặc thù còn thấp so với yêu cầu và chưa được bố trí kịp thời. Trong công tác quản lý nhà nước, còn thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành trong triển khai, hướng dẫn thực hiện chính sách dân tộc. Công tác theo dõi địa bàn, nắm bắt tình hình vùng DTTS - MN của các bộ, ngành và địa phương chưa sâu sát, chậm tham mưu đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh…

Giảm hỗ trợ trực tiếp sang đầu tư cho cộng đồng

- Năm 2017, Hội đồng Dân tộc tập trung cho giám sát chuyên đề về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao. Kết quả nổi bật của đợt giám sát này là gì, thưa ông?

- Kết quả phân định vùng DTTS - MN theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là căn cứ để xây dựng và tổ chức thực thi nhiều chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn; tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các tỉnh miền núi, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở các phân định, việc thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT - XH cho vùng DTTS - MN, vùng đặc biệt khó khăn trong những năm qua đã từng bước được ưu tiên bố trí, tập trung các nguồn lực để giải quyết các khó khăn đặc thù. Những chính sách áp dụng theo kết quả phân định đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển đã được quy định trong Hiến pháp; từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng DTTS - MN với các vùng, miền khác.

Ngày 22.12.1992, Hội đồng Bộ trưởng có văn bản ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi công bố danh sách các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao. Theo đó, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao chủ yếu dựa trên độ cao so với mực nước biển. Yếu tố này chưa đủ căn cứ khoa học, chưa thể hiện được mức độ khó khăn, phức tạp về địa hình, địa chất, các yêu tố đặc thù tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của dân cư trong vùng… Sau nhiều năm áp dụng để thực hiện các chương trình, chính sách phát triển KT - XH, cơ sở hạ tầng thiết yếu và đời sống của nhân dân khu vực miền núi, vùng cao đã có chuyển biến tích cực, nhưng đã nảy sinh sự thiếu bình đẳng về đầu tư và chính sách xã hội giữa các địa bàn có các yếu tố đặc thù khác nhau, mặc dù có cùng độ cao so với mực nước biển.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trò chuyện với các em học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu
Ảnh: Quang Khánh

Việc phân định vùng DTTS - MN theo trình độ phát triển thành 3 khu vực được thực hiện từ năm 1996, qua 4 giai đoạn, với các bộ tiêu chí khác nhau. Đến nay, bộ tiêu chí mới cũng còn có tiêu chí chưa phù hợp, dẫn đến nguồn lực đầu tư bị phân tán, dàn trải. Việc dựa vào kết quả phân định xã, thôn theo trình độ phát triển làm căn cứ để thực hiện một số chính sách, như thu hút cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến công tác và các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên khác cũng còn những bất cập.

- Tới đây, Hội đồng Dân tộc sẽ kiến nghị giải pháp gì nhằm tháo gỡ khó khăn trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến vùng DTTS - MN?

- Những năm tới, Hội đồng Dân tộc đề nghị, cần cân đối, cấp đủ nguồn lực cho các chương trình, chính sách, đề án đối với vùng DTTS - MN đã được phê duyệt. Trong phân bổ nguồn lực, quan tâm đến các yếu tố đặc thù của các khu vực, địa phương. Từ đó, xác định hệ số ưu tiên theo mức độ khó khăn để có cơ chế, định mức, tiêu chí phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp. Từng bước giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân chuyển sang chính sách đầu tư cho cộng đồng.

 Chính sách, chương trình, dự án đầu tư ở vùng DTTS - MN do nhiều đầu mối quản lý nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải. Xét trên bình diện quản lý quốc gia, chưa có một cơ quan theo dõi, nắm bắt được tổng thể, chính xác về ngân sách đầu tư cho vùng DTTS - MN, rất nhiều chính sách, dự án do các bộ, ngành quản lý theo lĩnh vực giao thông, xây dựng, thương mại, dịch vụ, y tế, đào tạo nghề, giảm nghèo và an sinh xã hội… không được tổng hợp đầy đủ. Do đó, cần giao cho một đơn vị làm đầu mối để thống nhất quản lý toàn bộ nguồn lực, chính sách của Nhà nước đối với vùng DTTS - MN.

Cần xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Rõ ràng, từ Hiến pháp đến các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước đã đề cập rất nhiều đến lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc, nhưng đến nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật thể chế một cách đầy đủ, toàn diện, thống nhất các chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện