Rút ngắn giờ làm - tại sao không?

- Thứ Hai, 04/06/2018, 07:27 - Chia sẻ
Nhu cầu có một cuộc sống cân bằng, giá trị, đang làm thay đổi các chính sách giờ làm. Trên thế giới, khá nhiều nơi đã tạo điều kiện cho người lao động được làm việc theo giờ giấc rất linh động. Thậm chí, hồi tháng 2 vừa qua, Công đoàn nước Đức còn đạt được thỏa thuận chưa từng có khi giảm giờ làm xuống còn 28 tiếng/tuần.

Dấu mốc của môi trường làm việc hiện đại

IG Metall, nghiệp đoàn thương mại lớn nhất của Đức, đại diện cho những người lao động trong lĩnh vực cơ khí và luyện kim, đã đạt được thỏa thuận cho phép nhân viên được quyền làm 28 giờ trong tuần, thay vì 35 giờ trong vòng hai năm để toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình và tận hưởng cuộc sống.  

Theo BBC, thỏa thuận này có hiệu lực đối với gần 1 triệu lao động tại bang Baden-Württemberg. Thậm chí, trong tương lai, nó có thể mở rộng đối với hơn 3,9 triệu người lao động đang làm việc tại khu vực công nghiệp của Đức, từ xây dựng, viễn thông đến hóa chất, những người cũng đang kêu gọi phải có sự thay đổi và ngày làm việc  linh động. Theo một khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Việc làm Đức, 50% nam lao động và 40% nữ lao động muốn giảm giờ làm hàng tuần của mình xuống ít nhất 2,5 giờ.

Theo lãnh đạo IG Metall, ông Jorg Hofmann, sự kiện trên là một “dấu mốc quan trọng trên con đường tiến tới môi trường làm việc hiện đại, tự chủ”.

Không giảm giờ làm sốc như Đức, nhưng mới đây quốc gia được coi “nghiện việc nhất thế giới” Hàn Quốc đã quyết định giảm thời gian làm việc theo quy định xuống còn 52 giờ/tuần, so với 68 giờ như trước đây. Tính đến thời điểm hiện nay, người Hàn Quốc thường làm việc tổng cộng 40 giờ/ tuần, và có thể có thêm 12 giờ phụ trội cộng thêm 16 giờ “tăng ca” vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Cơ quan Quản lý Nguồn nhân lực của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất - UAE  cũng đã thông báo giảm giờ làm việc cho cả khu vực công và tư trong tháng Ramadan. Cụ thể các công chức nhà nước chỉ phải làm từ 9h sáng đến 2h chiều trong khi người lao động tư nhân được giảm 2 giờ làm mỗi ngày. Đặc biệt, quy định được áp dụng cho tất cả người lao động, dù có theo đạo Hồi hay không.

Tại Mỹ, cách đây khoảng 3 năm, Công ty Acuity Scheduling - chuyên về dịch vụ sắp xếp lịch làm việc trực tuyến đã gây sốc khi cho nhân viên làm việc chỉ 3 tiếng vào buổi sáng, nghỉ vài tiếng giữa ngày, sau đó làm thêm 3 tiếng buổi chiều, lương và quyền lợi vẫn được hưởng đầy đủ. Tương tự, ông lớn thương mại điện tử của Mỹ Amazon cũng cho các nhân viên, ban đầu từ khối kỹ thuật, làm từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Năm. 14 giờ làm việc còn lại của tuần sẽ được phân phối vào bất cứ lúc nào nhân viên thấy thuận tiện nhất.

Còn ở châu Âu, nhân viên của Công ty Brath, chuyên tối ưu hóa kết quả tìm kiếm trực tuyến có trụ sở tại Thụy Điển cũng chỉ phải làm việc 6 tiếng/ngày. Họ được trả nguyên lương và phúc lợi, miễn là bảo đảm hiệu suất công việc.

Lợi ích vượt bậc

Nhiều người lo ngại, giảm giờ làm có thể khiến việc hoàn thành công việc trở nên lâu và khó khăn hơn, nhưng thực tế theo ông Gavin Zuchlinski, CEO của Acuity Scheduling kết quả công việc vẫn tốt tương đương như làm việc 8 tiếng/ngày. Nhờ được nghỉ ngơi, thư giãn, chăm sóc gia đình khiến tâm trạng trở nên vui vẻ, hiệu suất lao động của các nhân viên đã tăng lên rõ rệt. Bản thân lãnh đạo của công ty Brath cũng tin rằng, con người khó có thể vừa sáng tạo, vừa có năng suất làm việc cao trong suốt 8 làm việc liên tục mỗi ngày. Thực tế, những công ty đã áp dụng giảm giờ làm tại Thụy Điển đều ghi nhận năng suất lao động tăng cao hơn từ 20 đến 25%.

Có lẽ chính vì vậy, giới sử dụng lao động đang rất quan tâm đến chính sách giảm giờ làm. Làm việc quá tải đang trở thành vấn nạn tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Gần 30% người lao động Mỹ thường xuyên bị căng thẳng và khoảng 20% nhân viên văn phòng ở Nhật có nguy cơ tử vong do làm việc quá sức.

Lợi ích nữa của giảm giờ làm là giúp tạo thêm nhiều việc làm mới, từ đó giảm tỉ lệ thất nghiệp, giúp nền kinh tế cân bằng và bền vững. Theo các khảo sát của xứ sở kim chi, việc giảm giờ làm xuống còn 52 giờ/tuần có thể tạo ra thêm được 600.000 - 700.000 việc làm mới. Tương tự, với 6 triệu người làm việc trên 45 giờ/tuần và gần 2 triệu người không có việc làm, việc giảm giờ làm và thuê thêm nhân công được cho là giải pháp cho tình trạng thất nghiệp tại Anh. Các số liệu tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia phát triển khác. 

Linh Anh