Bạn đọc viết

Rút gọn thủ tục để tránh lãng phí

- Thứ Tư, 23/10/2019, 08:35 - Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2013 đến nay có 1.739.103 tang vật, phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ. Trong đó, công an các địa phương đã trả lại cho chủ tang vật, phương tiện 25.537 tang vật, phương tiện; chuyển cơ quan điều tra 48.789 phương tiện, tang vật; tịch thu, bán đấu giá 975.740 phương tiện, tang vật; tiêu hủy 685.655 tang vật, phương tiện. Hiện, trên toàn quốc tồn đọng 303.382 tang vật, phương tiện. Điều đáng quan tâm, còn xảy ra tình trạng các phương tiện tồn đọng lâu ngày, bị mục nát, hư hỏng, gây lãng phí tài sản xã hội; chủ phương tiện, tang vật không đến nhận lại phương tiện, tang vật.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí chi cho hoạt động quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phải địa phương nào cũng bảo đảm. Liên quan đến vấn đề này, Điều 5, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3.10.2013 và Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20.11.2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quy định, UBND tỉnh và Công an địa phương phải bảo đảm kinh phí cho công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu như đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa kho, bãi tạm giữ, tịch thu, mua sắm trang thiết bị bảo đảm phục vụ công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện; chi phí để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Tuy nhiên, kết quả 5 năm thực hiện Nghị định số 115/2013/NĐ-CP Quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính cho thấy, vẫn có không ít nơi bố trí kinh phí cho hoạt động này chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu, như Công an tỉnh Cao Bằng, Công an tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh Đăk Lăk. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, nhiều trường hợp tang vật, phương tiện tịch thu có giá trị thấp, sau khi bán đấu giá thì số tiền thu được không đủ trừ chi phí để chi trả cho việc thực hiện thủ tục giám định, định giá, thuê vận chuyển, bảo quản và chi phí cho việc tiêu hủy khi tang vật, phương tiện không thanh lý được hoặc không còn giá trị sử dụng.

Bên cạnh những khó khăn trong bố trí nguồn ngân sách thì thực tiễn áp dụng các vụ việc vi phạm hành chính phải tạm giữ phương tiện còn cho thấy tình trạng, không xác định được chủ sở hữu của phương tiện sau khi tạm giữ vì phương tiện đã qua mua bán, chuyển nhượng nhiều lần mà không thực hiện thủ tục sang tên. Thậm chí, chủ sở hữu tang vật, phương tiện vi phạm có đến nhận lại tang vật, phương tiện, nhưng người trực tiếp sử dụng tang vật, phương tiện để vi phạm lại không xuất hiện, nên không đủ điều kiện trả lại phương tiện vi phạm.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, đối với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận lại thì cần có quy định rút gọn thủ tục để bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh trường hợp tang vật, phương tiện bị tồn đọng lâu ngày, phát sinh chi phí.

Phạm Hải