Rủi ro lạm phát ép chính sách tiền tệ

- Thứ Năm, 09/05/2019, 08:28 - Chia sẻ
Với việc nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá thời gian qua, áp lực lạm phát đang hiện hữu và chắc chắn gây sức ép lên điều hành chính sách tiền tệ. Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019 sáng 8.5, các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn với Ngân hàng Nhà nước là phải chuyển bằng được sang điều hành lạm phát mục tiêu.

Chính sách tiền tệ được điều hành “thông minh”

Nhìn lại năm 2018, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ “thông minh”, “bơm” tiền đúng và chuẩn, phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn. Đặc biệt, NHNN đã khéo léo trong việc đáp ứng thanh khoản và ổn định lãi suất liên ngân hàng để bảo vệ tỷ giá nhưng không gây biến động tới lãi suất trên thị trường. Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng điểm sáng của ngành ngân hàng trong 3 năm qua chính là chính sách tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng tích cực, nâng cao uy tín của đồng nội tệ.

Theo ý kiến chuyên gia, chuẩn mực điều hành chính sách tiền tệ thận trọng là đi từ tương lai (kỳ vọng) rồi quay ngược về các điều kiện hiện tại: Dựa vào kỳ vọng lạm phát (tương lai) để từ đó ấn định khối lượng tiền hoặc lãi suất chính sách phù hợp nhằm đạt được lạm phát mục tiêu. Mọi phản ứng chính sách đều rất thận trọng, phải liên tục đánh giá, đo lường kỳ vọng lạm phát hàng tháng, quý và thật nhẹ nhàng điều chỉnh cung tiền hoặc lãi suất để tránh đổ vỡ.

Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định. Về lạm phát, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, tạo dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát chung theo đúng mục tiêu, năm 2018 ở mức 3,54%. Về lãi suất, mặc dù lãi suất trên thế giới tăng ở cả nhóm các nước phát triển và nhóm các nước mới nổi nhưng lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm. Mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức phù hợp, lãi suất cho vay khá ổn định phổ biến trong khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9 - 11%/năm.  Tốc độ tăng tín dụng được kiểm soát ở mức hợp lý.

Sang đến đầu năm 2019 này, hàng loạt thách thức đặt ra như kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ Trung... làm cho dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nền kinh tế vĩ mô không ổn định. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn có dòng vốn chảy vào do có kinh tế vĩ mô ổn định, có sự đánh giá rất tốt với thị trường. “Sở dĩ có điều đó do NHNN chủ động trong điều hành, trong điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm để mở rộng biên độ cho thị trường biến động”, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết.

Áp lực lạm phát lớn

Đề cập đến việc các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá trong thời gian ngắn vừa qua, TS. Cấn Văn Lực cho rằng áp lực lạm phát đang rất lớn, kiểm soát lạm phát sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và rất khó khăn. Liên quan đến khả năng chống chọi của nền kinh tế với bên ngoài, dư địa chính sách tài khoá không còn nhiều, đòi hỏi kịch bản rất quan trọng trong thời kỳ vô cùng biến động này. Ông Lực cho rằng, NHNN với vai trò điều hành chính sách tiền tệ phải bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sự ổn định vĩ mô. Phối hợp tốt hơn với Bộ Tài chính trong việc hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đặc biệt là qua việc phát hành trái phiếu của Chính phủ.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, thời gian tới ngành ngân hàng có 3 thách thức. Một là, lãi suất khó giảm thêm. Hai là, Việt Nam phải chuyển bằng được sang điều hành lạm phát mục tiêu, “đây là thách thức cực lớn với NHNN”. Ba là, truyền thông khủng hoảng và xử lý tranh chấp. “Ngành ngân hàng cần phải học cách ứng xử và truyền thông với tranh chấp. NHNN phải sưu tầm án lệ trên thế giới để nghiên cứu”, ông Thành nói.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay chính sách tiền tệ phải gánh quá nặng so với chính sách tài khóa. Hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong trung và dài hạn, đang phải làm thay cho thị trường vốn có nhiệm vụ cung ứng vốn trung dài hạn. Hiện nay cho vay vốn trung và dài hạn chiếm khoảng 50 - 60%, đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng, nhưng bản chất của ngân hàng chỉ là cho vay ngắn hạn. Do vậy, về dài hạn, cần phải nâng cao vai trò của thị trường vốn.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%. 

Tuệ Anh