Rộng cửa đón du học sinh trở về

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:25 - Chia sẻ
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19. Bộ đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam.

Để đánh giá tình hình cụ thể hơn, trong 3 ngày (từ 21 - 23.7), Bộ GD - ĐT phối hợp với các trường đại học (ĐH) tổ chức liên tiếp 2 hội thảo, tọa đàm về việc tiếp nhận du học sinh về nước học tập. Việc này được đánh giá là cần thiết và kịp thời khi đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của hơn 200.000 du học sinh, theo sau là từng đó gia đình đang lo lắng, lúng túng không biết cho con em mình học ở đâu, như thế nào vì nhiều trường học trên thế giới phải tạm đóng cửa, hoặc chuyển qua học online để phòng dịch. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Sứ mệnh của các trường ĐH là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất”.

Các trường ĐH cũng đánh giá đây là cơ hội để các trường trong nước và quốc tế kết nối, đưa ra chương trình đào tạo chất lượng. Nhiều trường đã gấp rút chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận, hỗ trợ du học sinh; hoặc giúp sinh viên có thể bắt đầu việc du học của mình ngay mà không cần chờ dịch qua đi. ĐH FPT xây dựng chương trình “Phòng chờ du học”, người học sẽ được học trước 1 - 2 học kỳ chuyên ngành, sau đó có thể chuyển đổi tín chỉ sang nhiều trường ĐH ở Anh, Australia, Mỹ, Canada có liên kết đào tạo với nhà trường. Các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội có chương trình “Trao đổi sinh viên”, giúp người học có thể theo học chương trình trao đổi với trường ở trong nước mà trường nước ngoài có liên kết. Với nhiều trường khác, lại triển khai chương trình liên kết quốc tế theo kiểu sinh viên sẽ học 2 - 3 năm ở Việt Nam, sau đó chuyển tiếp sang nước ngoài học…

Hiện Việt Nam có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý. Các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. 5 năm qua, sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam tăng 10%/năm, hiện có khoảng 21.000 sinh viên quốc tế đang học tập tại Việt Nam. Đồng thời, mỗi năm, học sinh, sinh viên của nước ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu tiêu tốn khoảng 3 - 4 tỷ USD dưới các dạng kinh phí khác nhau. Việc mở rộng cơ hội học tập chương trình quốc tế ở ngay trong nước không chỉ tạo thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của người học trong tình hình dịch bệnh hiện nay mà còn góp phần “giữ chân ngoại tệ” cho đất nước, giảm bớt chi phí cho người học.

Theo nhìn nhận chung của các chuyên gia giáo dục, người học cũng như chính thực tiễn đào tạo của các trường, để giữ chân sinh viên Việt Nam ở lại du học tại chỗ, trước hết chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế phải được bảo đảm, nhất là việc kiểm định chất lượng. Các trường ĐH, nếu muốn quốc tế hóa việc đào tạo của mình, phải bắt đầu từ chất lượng và sự minh bạch. Các trường cũng cần cẩn trọng, lựa chọn đối tác uy tín, thương hiệu để liên kết, tìm cách nâng cao chất lượng để đủ sức cạnh tranh và hội nhập với quốc tế.

Việt Nam đang có thuận lợi là kiểm soát tốt được dịch bệnh, chúng ta có thể cùng các nước có nền giáo dục phát triển liên kết, cung cấp dịch vụ giáo dục tốt cho người học. Để làm được điều đó, ngành giáo dục phải đẩy mạnh gắn với kiểm soát việc công nhận bằng cấp tín chỉ giữa các trường ĐH Việt Nam và các quốc gia, đồng thời tạo diễn đàn để hướng dẫn công khai thông tin cho học sinh, sinh viên về hợp tác đào tạo giữa các trường. Đặc biệt, Bộ GD - ĐT cần tạo điều kiện hỗ trợ các trường trong quá trình tìm đối tác, mặt khác, có công cụ giám sát ngay từ đầu, để tránh tình trạng đang đào tạo hoặc đào tạo xong mới giám định. Nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ cùng với các trường, tận dụng tốt “xu hướng ngược dòng” sẽ thu hút được lượng du học sinh chất lượng về nước.

Duy Anh