Bạn đọc viết

Rối trong áp dụng văn bản

- Chủ Nhật, 02/12/2018, 08:53 - Chia sẻ
Thời hiệu áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực thi pháp luật. Việc áp dụng đúng nguyên tắc, phù hợp sẽ dẫn đến kết quả xử lý công việc được chính xác và ngược lại. Tuy nhiên, có một thực tế là cùng một vấn đề được quy định tai hai văn bản khác nhau và có những quy định không giống nhau về thời hiệu áp dụng văn bản.

Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định, VBQPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. VBQPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của VBQPPL có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. Ngoài ra, Luật cũng quy định các trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; hoặc do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của VBQPPL ban hành sau…

Từ những quy định có tính nguyên tắc nêu trên, có thể hiểu VBQPPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể hơn về vấn đề này, tại Điều 151 của Luật Ban hành VBQPPL 2015 nêu rõ, thời điểm có hiệu lực của văn bản sẽ được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL luật của HĐND, UBND cấp tỉnh; không sớm hơn 7 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã. VBQPPL được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Ngoài ra, việc xác định thứ bậc VBQPPL cũng được quy định khá rõ ràng, thứ tự văn bản từ cao xuống thấp là: Hiến pháp; bộ luật, luật, nghị quyết của QH; pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quy định nêu trên khá rõ, tuy nhiên chỉ sau chưa đầy 3 năm đi vào cuộc sống đã cho thấy, Luật Ban hành VBQPPL 2015 chưa bao quát hết được việc xây dựng, ban hành văn bản. Cụ thể, Luật Ban hành VBQPPL mới quy định về nguyên tắc áp dụng văn bản trong trường hợp các VBQPPL có quy định khác nhau về cùng một vấn đề và các VBQPPL luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề mà chưa tính đến trường hợp VBQPPL có hiệu lực pháp lý ngang nhau nhưng do hai đơn vị ban hành có sự khác nhau? Vậy trong trường hợp này áp dụng theo nguyên tắc nào - chính xác hơn là áp dụng VBQPPL? Chẳng hạn, Điểm e, Khoản 8, Điều 2, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV của liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu quy định trách nhiệm của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh trong việc tiếp nhận khai trình việc sử dụng lao động, báo cáo tình hình thay đổi về lao động; nhận thông báo về việc tổ chức làm thêm từ 200 giờ - 300 giờ/năm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo ủy quyền của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Nhưng, tại Điểm e, Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao lại quy định Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ủy quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp thực hiện. Thực tế này khiến cho địa phương không biết áp dụng văn bản nào, lại phải có công văn xin ý kiến bộ phận pháp chế hoặc Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, vì chưa có quy định nên nên Bộ Tư pháp cũng không biết hướng dẫn như thế nào, hậu quả cuối cùng là sự tùy nghi trong áp dụng văn bản.

Đình Khoa