Kinh nghiệm của Đức trong phân chia ngân sách theo cấp hành chính

Rõ ràng và ổn định

- Thứ Năm, 10/10/2019, 08:23 - Chia sẻ
Đức là một quốc gia liên bang. Toàn liên bang có 3 cấp hành chính: Liên bang, bang (gồm 16 bang, 11 bang phía Tây và 5 bang phía Đông) và cấp xã gồm 16.000 xã. Theo Điều 30 Hiến pháp liên bang, quyền lực nhà nước nằm ở liên bang và các bang. Mỗi cấp được quy định chức năng, nhiệm vụ riêng và khá cụ thể. Ứng với phân định nhiệm vụ là phân định các nguồn thu ngân sách rõ ràng, rành mạch. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cụ thể, ổn định và nguồn thu ngân sách cũng rõ ràng và ổn định, các cấp hành chính chủ động điều hành hoạt động độc lập.

Nguồn thu ngân sách quan trọng nhất là thuế. Có loại thuế dành riêng cho 1 - 2 cấp; có loại thuế cho tất cả các cấp. Tất cả các khoản thuế quan trọng thu được đều đưa vào một quỹ rồi phân chia cho các cấp hành chính theo quy định của Hiến pháp.

Nguồn thu ngân sách của các cấp

Điều 28 Hiến pháp liên bang quy định, nhiệm vụ chủ yếu của cấp xã là giải quyết cung ứng, cung cấp dịch vụ năng lượng điện, nước trong xã; xử lý các chất phế thải, bảo dưỡng đường sá trong xã; thực hiện nhiệm vụ văn hóa, giáo dục và được ủy nhiệm giải quyết các khoản trợ cấp xã hội. Để thực hiện các nhiệm vụ này, nguồn thu của ngân sách xã bao gồm:

- Liên bang phân phối 15% thuế lương và 15% thuế thu nhập;

- Tự thu các loại thuế được quy định cho xã như thuế môn bài, thuế đất, thuế nước giải khát, lệ phí mở dịch vụ ăn uống, giải trí…

Hiến pháp cho phép cấp xã tự quy định các khoản thu ngoài các khoản do liên bang và bang quy định để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã, song không có nghĩa là tùy tiện. Các nhà chức trách ở xã phải cân nhắc thận trọng, kỹ càng, bởi vì, nếu quy định quá nhiều khoản thu và tỷ lệ thu quá cao thì các doanh nghiệp trên địa bàn xã sẽ rút hết vốn đầu tư chuyển sang địa bàn khác. Dân chúng trong xã bị lạm thu (quá khả năng chịu đựng), họ sẽ lập tức biểu tình phế truất ngay chính quyền. Ngược lại nếu chính quyền mị dân, quy định ít khoản thu, tỷ lệ thu thấp không đủ ngân sách để hoạt động, không thể phát triển kinh tế, xã hội, thì chính quyền cũng sẽ bị đánh đổ. Vì thế, các nhà chức trách ở xã bao giờ cũng phải chủ động tính đến một sự cân bằng, hợp lý, bền vững.

Các khoản thu thuế và lệ phí ở cấp xã đáp ứng được 55% nhu cầu chi; các khoản do Liên bang và bang tài trợ bảo đảm 40% nhu cầu chi của xã, còn lại 5% nhu cầu chi, xã được phép vay các ngân hàng thương mại.

Phân chia các loại thuế quan trọng theo các cấp hành chính (%)
Loại thuế
Cấp xã
Cấp bang
Cấp Liên bang
Thuế lương
15 42,5
42,5
Thuế thu nhập
15 42,5
42,5
Thuế doanh nghiệp

50,0
50,0
Thuế doanh thu

35,0
65,0
Riêng thuế doanh thu được phép điều chỉnh theo tình hình thực tế
giữa bang và liên bang

Ở cấp bang, nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết các công việc thuộc về bảo vệ pháp luật, y tế, giáo dục, văn hóa, xây dựng đường sá, phát triển kinh tế trong phạm vi mỗi bang (thuộc nhiệm vụ của cấp bang, không trùng với nhiệm vụ của xã). Để thực thi nhiệm vụ của mình, bang có các nguồn thu sau:

- Liên bang phân phối cho bang 42,5% tiền thu thuế lương, 42,5% tiền thu thuế thu nhập, 50% tiền thu thuế doanh nghiệp và 35% tiền thuế doanh thu.

- Bang được thu thuế tài sản, xe cộ, thừa kế, thuế bia, thuế mua đất. Các bang có điều kiện tự nhiên khó khăn dẫn đến nguồn thu ngân sách kém hơn thì được Liên bang tài trợ thêm một phần lấy từ nguồn thuế doanh thu.

Các khoản thu trên bảo đảm 93% các khoản chi của bang, còn lại 7% các bang có thể vay ngân hàng thương mại để chi.

Sở dĩ trong cân đối ngân sách, cấp xã còn thiếu 5% số chi, cấp bang thiếu 7%, phải vay ngân hàng thương mại là để chính quyền hai cấp này không thể “bình chân như vại” tiêu tiền, mà phải sử dụng ngân sách tiết kiệm, chi có hiệu quả cao và luôn luôn năng động, tạo nguồn thu trong phạm vi quy định của pháp luật để bù đắp.

Còn ở cấp liên bang, nhiệm vụ tối quan trọng là bảo đảm sự tồn tại của quốc gia với những nhiệm vụ cụ thể là bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, chính sách xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng liên bang, làm đường cao tốc xuyên các bang, phát triển khoa học - kỹ thuật ở tầm vĩ mô, bảo đảm giao thông, bưu điện, giải quyết hậu quả chiến tranh.

Ứng với các nhiệm vụ trên, nguồn ngân sách liên bang bao gồm 42,5% thuế lương, 42,5% thuế thu nhập, 50% thuế doanh nghiệp và 65% thuế doanh thu (riêng tỷ lệ thuế doanh thu không ghi trong Hiến pháp, vì còn phải tài trợ cho các bang có khó khăn như đã nói ở cấp bang).

Ngoài những nhiệm vụ được hoạch định cho từng cấp, vẫn còn một số nhiệm vụ chung có liên quan giữa các bang với nhau mà Hiến pháp cũng đã chỉ rõ. Đó là, xây dựng các thành phố mới, cải tạo các thành phố cũ; xây dựng, cải tạo, mở rộng các trường đại học; thay đổi cơ cấu sản xuất ở các bang; cải tạo và bảo vệ môi trường; cải tạo cơ cấu nông nghiệp; bảo vệ bờ biển, xây đắp đê điều... Liên bang và những bang có lợi thế kinh tế phải có trách nhiệm tài trợ theo kế hoạch của liên bang.

Sự độc lập giữa các cấp và vai trò cân đối của liên bang

Đức có Hiến pháp liên bang, đồng thời cũng có Hiến pháp riêng của từng bang (không trái với Hiến pháp liên bang). Điều 109, Hiến pháp liên bang quy định, liên bang và bang hoàn toàn độc lập với nhau về tài chính và ngân sách. Ngân sách liên bang do Nghị viện liên bang phê chuẩn; ngân sách bang do Nghị viện bang phê chuẩn. Ngân sách xã do cũng do Nghị viện bang phê chuẩn, nhưng không có nghĩa là bang can thiệp vào thẩm quyền quyết định của xã, mà phê chuẩn chỉ có ý nghĩa kiểm tra, giám sát.

Do điều kiện tự nhiên khác nhau, do năng lực và trình độ sản xuất khác nhau, dẫn đến khả năng tài chính và kết quả thu ngân sách cũng khác nhau. Do đó, sau khi các bang đã nỗ lực tối đa, liên bang phải cân đối để bảo đảm mức sống giữa các bang không quá chênh lệch, song cũng không có nghĩa là phân phối bình quân. Việc cân đối được thực hiện thông qua phân phối số tiền thu được từ thuế. Trước hết là cân đối theo các tỷ lệ quy định cho từng cấp, sau đó sẽ xem xét tương quan giữa các bang, các xã trong bang. Các nhà chuyên môn phân tích dữ kiện kinh tế của các bang căn cứ vào “sức mạnh thuế khóa” mỗi bang tính theo đầu người rồi so sánh với chỉ số chung của liên bang. Những bang có chỉ số quá thấp sẽ được liên bang bù đắp để đạt 95% so với chỉ số chung, còn lại bang phải nỗ lực phấn đấu.

Nhiệm vụ và nguồn ngân sách của mỗi cấp được quy định rõ và ổn định lâu dài, các cấp hành chính cứ thế điều hành công việc. Không bao giờ có chuyện cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên; cũng không bao giờ cấp trên phải “nhúng tay” vào công việc của cấp dưới. Cũng không có tình trạng cấp dưới thường xuyên “cắp cặp” đi xin ngân sách ở cấp trên. Cũng không có kiểu đánh giá cán bộ tài cán, có năng lực là cán bộ “giỏi” đưa quà biếu, “giỏi chạy” ngân sách.

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội