Rất nhiều điểm mới nhưng vẫn cần rà soát thêm

- Chủ Nhật, 13/09/2020, 08:08 - Chia sẻ

ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng)

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đến thời điểm này đã có rất nhiều điểm mới, đặc biệt trong những điều khoản liên quan đến kiểm soát các nguồn khí thải, nước thải, chất thải rắn ở những vấn đề mới liên quan đến tư duy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đọc kỹ dự thảo Luật, tôi còn một số băn khoăn.

Thứ nhất, về phân loại dự án tại Điều 29 theo mức độ tác động đến môi trường. Phân loại này khác với phân loại dự án theo các luật hiện hành. Hiện nay, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch và một số các luật xây dựng chuyên ngành khác phân loại dự án theo nhóm A, B, C, D. Việc phân loại dự án này không phải chỉ theo quy mô dự án mà còn liên quan cả đến các tiêu chí về môi trường và vấn đề bảo tồn di sản, vấn đề chiếm dụng đất… Bây giờ chúng ta lại phân ra một nhóm nữa là 4 nhóm dự án liên quan đến tác động môi trường. Vậy mối quan hệ giữa định nghĩa về nhóm dự án ảnh hưởng đến môi trường với các dự án mà hiện nay các luật hiện hành đang quy định như thế nào? Khi chúng ta đưa vào Luật này thì liệu có phải sửa tất cả những luật nêu ở trên hay không? Chúng ta phải đánh giá rất kỹ, nếu không sẽ có sự chồng chéo giữa việc phân loại dự án và thẩm quyền của các cơ quan liên quan.

Thứ hai, tôi đề nghị phải làm rõ khái niệm “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” và “đánh giá tác động môi trường sơ bộ”. Hai nội dung này không giống nhau. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc là trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Nếu chúng ta đánh giá sơ bộ tác động môi trường thì đã lồng ghép vào trong thẩm định đầu tư giai đoạn tiền khả thi hoặc giai đoạn chuẩn bị cho chủ trương đầu tư. Nhưng nếu theo phương án 2, bổ sung Điều 30b và đánh giá tác động môi trường sơ bộ vào chủ yếu là đối với dự án nhóm 1, tức là đối tượng bị ô nhiễm mức cao thì phải xem có phát sinh thủ tục hành chính hay không? Bởi vì ngoài chuyện thẩm định đầu tư ra thì trước giai đoạn xem xét chủ trương đầu tư vẫn phải đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Tức là phải xây dựng báo cáo và phải tổ chức thẩm định, vì Điều 30b dự thảo Luật nói rõ là đánh giá tác động môi trường sơ bộ là một bước của quá trình đánh giá tác động môi trường của dự án nhóm 1. Tôi đề nghị phải nghiên cứu thêm, không cẩn thận lại phát sinh thủ tục.

Thứ ba, liên quan đến cấp phép môi trường. Theo tư duy trước đây thì chúng ta tích hợp giữa giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường với các giấy phép cấp phép xả thải, 2 nội dung thành 1. Theo tôi hiểu, khâu này là khâu hậu kiểm, có nghĩa là, sau khi xây dựng công trình xong, trước khi đưa vào vận hành thương mại thì phải làm thủ tục cấp phép. Nếu như theo tư duy trong dự thảo Luật lần này tôi lại cảm giác hình như chúng ta chuyển từ hậu kiểm sang tiền kiểm. Bởi vì theo Điều 43 về thời điểm cấp phép môi trường, tất cả từ Điểm a Khoản 2, Điểm b Khoản 2 đều quy định thời điểm cấp phép môi trường phải trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc trước khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đầu tư hay phê duyệt dự án đầu tư hay cấp phép xây dựng hoặc thẩm định thiết kế kỹ thuật. Rõ ràng, chúng ta tích hợp để giảm bớt thủ tục ở khâu hậu kiểm, nhưng lại đưa vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư thì sẽ kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư. Nếu chưa xong thủ tục cấp phép môi trường thì chưa được cấp phép xây dựng, chưa được cấp phép đầu tư hoặc chưa được cấp phép cấp phép xây dựng, chưa được thẩm định thiết kế cơ sở. Như vậy, rõ ràng chúng ta đã kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư của doanh nghiệp. Tôi rất băn khoăn chỗ này. Nếu lại kéo dài thủ tục đầu tư thì các doanh nghiệp sẽ có ý kiến.

Thứ tư, liên quan đến cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi. Đúng là tích hợp thì sẽ bảo đảm cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất lượng nước trong công trình thủy lợi không chỉ đơn thuần là chuyện về môi trường mà liên quan cả đến chất lượng, số lượng nước theo các hợp đồng dân sự về cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Trách nhiệm đối với quản lý chất lượng nước không phải chỉ của một bộ, mà kể cả có tích hợp giấy phép môi trường vào thì khâu quản lý chất lượng và số lượng nước ngành nông nghiệp vẫn phải quản lý. Giải quyết vấn đề này như thế nào khi mà cơ quan cấp phép môi trường mới có trách nhiệm kiểm tra, giám sát? Trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng nước, chất lượng phục vụ các hợp đồng dân sự thì ai quản lý? Chúng ta phải xem xét lại việc phối hợp quản lý như thế nào giữa 2 bộ. Để bảo đảm tính liên thông thì không hẳn là cứ phải tích hợp hai giấy phép này. Chúng ta có nhiều cách để xây dựng các cơ chế phối hợp nhằm bảo đảm sự liên thông này.