Xuất khẩu rau, quả

Rào cản nội tại

- Thứ Năm, 14/03/2019, 08:04 - Chia sẻ
Tiềm năng sản xuất, chế biến rau, hoa quả ở Việt Nam rất lớn, nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế ngày một tăng. Dù vậy, thực tế việc xuất khẩu rau, hoa quả Việt Nam sang nước ngoài chưa khai thác được nhiều. Đây là nhận định của đại diện Bộ Công thương tại Diễn đàn Xuất khẩu rau, hoa quả vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Triển lãm HortEx Vietnam 2019.

Điểm hẹn HortEx Vietnam 2019

HortEx Vietnam 2019 - Triển lãm và hội nghị lần thứ 2 về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa quả - có quy mô gấp đôi năm đầu tiên và trở thành điểm hẹn chuyên ngành lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng diện tích trưng bày 4.500m2, gần 200 doanh nghiệp của 28 quốc gia tham dự, dự kiến đón khoảng 6.000 khách tham quan thương mại.

Tại hội chợ, các gian hàng đều trưng bày sản phẩm rau, quả sản xuất, chế biến bằng công nghệ sạch. Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuff Substrates Việt Nam Dror Ravitz (Israel) cho biết, doanh nghiệp này đang có hướng đầu tư vào Việt Nam để sản xuất rau sạch và giới thiệu công nghệ trồng rau sạch bằng xơ dừa ép. Đây là công nghệ không mới nhưng tận dụng được xơ dừa, là phế phẩm của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, và ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc sử dụng công nghệ này vừa ít tốn kém, vừa cho hiệu quả cao, đỡ tốn diện tích trồng, có thể trồng tại nhiều địa điểm, vị trí khác nhau như: Trong nhà kính, ngoài trời, hoặc nhà có mái che. “Chúng tôi sử dụng xơ dừa trộn với phân hữu cơ ép thành bánh, tưới nước cho nở đầy rồi tra hạt vào trồng. Chúng tôi cũng đang lập kế hoạch và làm thủ tục xin đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất xơ dừa ép và trồng rau sạch tại Việt Nam. Nếu được các cơ quan chức năng chấp thuận thì chúng tôi sẽ chuẩn bị xây dựng nhà máy”, ông Dror Ravitz cho biết.


Gian hàng triển lãm rau sạch tại TP Hồ Chí Minh  Ảnh: Phạm Duy

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, 2018 là một năm thành công của ngành rau, hoa, quả Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,809 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2017, trong đó thị trường Trung Quốc 2,783 tỷ USD, chiếm hơn 73%; Hoa Kỳ 139 nghìn USD; Hàn Quốc 113 nghìn USD; Nhật Bản 105 nghìn USD... “Cùng với đà tăng trưởng của thị trường, HortEx Vietnam 2019 được mong đợi sẽ trở thành điểm hẹn chuyên ngành lý tưởng, là bệ phóng để các cơ hội kinh doanh hội tụ và đơm hoa kết trái”, ông Nguyên hy vọng.

Chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường

 Chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia đã làm 6 kỳ, bắt đầu từ năm 2008, nhưng mới có 97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Đặc biệt là có chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Branding) gồm cá, trà, rau xanh, cà phê, dừa... Thời gian tới phải thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Việt, tăng cường xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bùi Thị Thanh An

Theo đánh giá của đại diện Bộ Công thương, so với tiềm năng, lợi thế thì xuất khẩu rau, quả của chúng ta vẫn còn hết sức khiêm tốn. Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương Đỗ Quốc Hưng nêu ví dụ về xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản - hai thị trường rất tiềm năng. “Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc không ngừng tăng, năm 2018 nước này nhập 1,24 tỷ USD trái cây tươi. Mặc dù Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước xuất khẩu rau, quả sang Hàn Quốc nhưng giá trị kim ngạch chỉ đạt hơn 113 nghìn USD, chiếm 2,99%. Đây là tỷ lệ quá thấp, và chúng ta xuất khẩu chủ yếu là cải bắp, xà lách, tỏi, ớt, chuối, dừa, dứa xoài, thanh long”...

Tương tự, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 4 thế giới với giá trị nhập khẩu năm 2018 đạt 18,4 tỷ USD và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nhật gồm rau các loại, trái cây tươi và thuỷ sản cũng chỉ đạt 646,4 triệu USD. Theo đánh giá của ông Đỗ Quốc Hưng, xuất khẩu nông sản sang hai nước này còn thấp là do các mặt hàng của chúng ta chưa đạt được yêu cầu khắt khe về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chưa phù hợp. Do vậy việc xuất khẩu rồi bị trả hàng về hoặc bị tiêu hủy ngay tại nước nhập vẫn còn diễn ra. Điều này vừa gây thiệt đơn, thiệt kép cho quan hệ đối tác thương mại, vừa thiệt hại trong quá trình vận chuyển cũng như cho người sản xuất. “Thời gian tới ngành rau quả Việt Nam muốn phát triển lớn mạnh thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà phải tập trung vào các mô hình có quy mô lớn, bảo đảm các yêu cầu về quy trình kỹ thuật, chất lượng rau của quả, sau đó thực hiện xúc tiến thương mại”, ông Đỗ Quốc Hưng nêu vấn đề.

Về lợi thế và khó khăn của các mặt hàng nông sản Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Bùi Thị Thanh An cho rằng, chúng ta không còn rào cản về thuế kể từ khi ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng chúng ta đang đang gặp rào cản từ chính chúng ta như không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Kiểm dịch chưa đạt tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. “Chúng ta cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, ổn định bằng chất lượng sản phẩm hàng hoá nông sản. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hoá của mình. Bên cạnh đó phải tiến hành thủ tục thực hiện chỉ dẫn địa lý, hàng hóa phải truy xuất được nguồn gốc. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch và các quy trình nhập khẩu liên quan. Có như vậy thì vai trò của xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ xuất khẩu trái cây, rau quả Việt Nam mới được kết nối hiệu quả”.

PHẠM DUY