Trung Quốc quản lý tài khoản di động bằng nhận diện khuôn mặt

Ranh giới giữa an ninh và quyền riêng tư

- Thứ Tư, 04/12/2019, 08:01 - Chia sẻ
Theo luật mới có hiệu lực từ ngày 1.12, người dân Trung Quốc sẽ phải bổ sung dữ liệu nhận diện danh tính khi đăng ký số điện thoại mới. Đạo luật này nhằm bảo đảm người dùng trên mạng sử dụng danh tính thật, từ đó giúp tăng cường an ninh mạng và giảm thiểu nguy cơ lừa đảo. Tuy vậy, việc tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ đang làm bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi về quyền riêng tư của người dân.

Quản lý tài khoản di động bằng nhận diện khuôn mặt

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, thông thường, khi đăng ký điện thoại hoặc hợp đồng dữ liệu viễn thông mới, người dân Trung Quốc phải trình chứng minh nhân dân và nộp kèm ảnh chụp. Tuy nhiên, từ ngày 1.12, khi đăng ký số điện thoại họ phải quét mặt bằng công nghệ mới để xác nhận rằng gương mặt của họ khớp hoàn toàn với chứng minh nhân dân được cấp.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng một số luật nhằm bảo đảm rằng mọi người trên mạng đều sử dụng danh tính thật, tên thật. Ví dụ, năm 2017, một số quy định mới yêu cầu người dùng phải xác minh danh tính trước khi được phép đăng tải nội dung lên mạng.

Những quy định này nhằm giúp chính phủ có thể dễ dàng xác định danh tính người sử dụng mạng thông qua dữ liệu đăng ký điện thoại bởi hầu hết người dùng mạng ở Trung Quốc đều lên mạng qua điện thoại. Theo Jeffrey Ding, nhà nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc tại Đại học Oxford, một trong những nguyên nhân để Bắc Kinh làm như vậy là để xóa bỏ những tài khoản điện thoại và tài khoản mạng nặc danh, tăng cường an ninh mạng và giảm thiểu lừa đảo.

Hiệu quả không thể phủ nhận

Với dân số quá đông như hiện nay, giới chức Trung Quốc đang sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để quản lý. Nhận diện khuôn mặt là công nghệ được áp dụng phổ biến nhất, từ thị trấn nhỏ đến đô thị lớn, từ nhà vệ sinh công cộng đến việc thanh toán hóa đơn hay rút tiền ở máy ATM. Giới chức Trung Quốc đã tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt vào mạng lưới camera giám sát rộng khắp nước này, hiện đã lên đến con số 176 triệu camera, trong khi ở Mỹ chỉ có 50 triệu, theo kết quả điều tra của công ty tư vấn IHS Markit.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng rộng rãi trong công tác truy bắt tội phạm cũng như phát huy tác dụng rõ rệt khi giám sát người tham gia giao thông. Chẳng hạn như ở Tế Nam, camera nhận diện khuôn mặt có thể ghi lại những video ngắn của người đi bộ qua đường khi chưa có tín hiệu cho phép từ đèn giao thông. Thông tin cá nhân của người vi phạm, bao gồm tên và địa chỉ nơi ở, sẽ được hiển thị trên màn hình ở lề đường như một lời cảnh cáo.

Ngoài ra, công nghệ này hiện cũng được áp dụng tại các ga tàu. Thay vì đi qua các trạm kiểm soát do nhân viên quản lý như trước, hành khách có thể tự kiểm tra bằng máy nhận diện khuôn mặt được bố trí tại các nhà ga.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng được các công ty đưa vào để quản lý thời gian của người chơi game. Tencent đã ứng dụng nó để xác định trẻ em chơi những tựa game trên di động của hãng trong bao lâu mỗi ngày và sẽ áp dụng một số hạn chế khi khách hàng chơi quá nhiều.

Hiện tại để thanh toán hóa đơn tại một số nhà hàng ở Trung Quốc, người dân không cần sử dụng tiền mặt hay mã QR code trên điện thoại mà dùng nhận diện khuôn mặt. Công nghệ này đã được ứng dụng tại nhiều siêu thị ở trung tâm thành phố Tân Trịnh và đang được mở rộng ra nhiều nơi tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), một trong bốn ngân hàng lớn nhất tại quốc gia này đã trang bị hệ thống máy ATM tích hợp nhận diện khuôn mặt để cho phép rút tiền mặt. Người dùng sẽ phải nhập mật khẩu, số điện thoại hoặc số trên ID để xác nhận danh tính. ABC nhận định công nghệ này có thể loại trừ nguy cơ sao chép trái phép thông tin thẻ cũng như khả năng ATM “nuốt” thẻ, đồng thời nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Ngoài ABC, China Merchants Bank (CMB) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cũng đã tích hợp công nghệ này vào mạng lưới ATM.

Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn áp dụng công nghệ này trong lĩnh vực giáo dục. Chẳng hạn tại kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (Gaokao) năm 2018, các điểm thi đã sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi nhằm hạn chế tình trạng thi hộ.

Câu hỏi về quyền riêng tư

Bất chấp tính hiệu quả không thể phủ nhận trong quản lý, công nghệ nhận diện khuôn mặt đang vấp phải nhiều chỉ trích liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư của người dân. Khi luật mới được giới thiệu hồi tháng 9, hàng trăm người dùng trên mạng xã hội đã tỏ ra quan ngại về số lượng dữ liệu được thu thập.

Nhiều người tức giận, phàn nàn rằng ở Trung Quốc đã xảy ra quá nhiều vụ đánh cắp dữ liệu. “Trước đây, những kẻ trộm biết tên bạn là gì, trong tương lai chúng sẽ biết bạn trông như thế nào. Việc thu thập dữ liệu được thực hiện mà không được sự đồng thuận của công chúng”. Một người khác cho biết thường nhận được cuộc gọi lừa đảo từ những kẻ biết tên và địa chỉ nhà của họ.

Bên cạnh đó, các nhà hoạt động cho rằng, công nghệ này cùng với hệ thống giám sát và chấm điểm công dân mà Trung Quốc đang thí điểm có thể trở thành công cụ hạn chế quyền con người. Họ cũng lo ngại những bước tiến xa hơn nữa trong nỗ lực kiểm soát con người khi hệ thống này được hoàn thiện trong tương lai.

Đạt Quốc