Rạn san hô lớn thứ hai thế giới bị đe dọa

- Thứ Ba, 22/10/2019, 08:17 - Chia sẻ
Vừa qua, các chuyên gia môi trường Brazil cảnh báo những vệt dầu loang xuất hiện hơn một tháng qua đang đe dọa sự sống của rạn san hô lớn thứ hai thế giới ở khu vực Costa de los Corales. Lưu ý trên được đưa ra ngay sau khi bang Queenland, Australia phải phê chuẩn luật mới nhằm cứu rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier.

Những dải dầu loang bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 9 vừa qua và kéo dài 2.000km dọc theo bờ biển phía Đông Bắc Đại Tây Dương. Tính đến nay, các nhà chức trách Brazil đã thu gom hơn 500 tấn cặn dầu tại 201 khu vực bờ biển của quốc gia Nam Mỹ này. Vừa qua, các vệt dầu đã loang tới vùng Costa de los Corales, bang Alagoas. Đây là nơi có rạn san hô lớn thứ hai thế giới, dài 150km, đứng sau rạn Great Barrier của Australia. Các nhà khoa học cảnh báo, sự cố dầu loang xảy ra đúng thời điểm quần thể san hô đang phục hồi sau quá trình bị “tẩy trắng” trên diện rộng, vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, do sự ấm lên của nước biển. Hiện tượng “tẩy trắng” khiến phần lớn san hô chết để lại xương trắng dưới đáy biển. Những lớp sinh vật này chỉ có thể phục hồi nếu nhiệt độ nước biển giảm. Tuy nhiên, hiện tượng dầu loang đang ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và sinh sản của san hô và tảo ở khu vực trên.

Theo các chuyên gia Brazil, chỉ riêng trong năm nay, hơn 90% loài san hô Millepora alcicornis, một trong những loài san hô chính tại nước này, đã chết. Một cá thể san hô dài 50cm sẽ phải mất tới 20 năm mới có thể phục hồi. Theo ông Duarte, sự cố tràn dầu ảnh hưởng tới rạn san hô có thể so sánh như thảm họa cháy rừng Amazon tháng 8 vừa qua.

Trước đó, Nghị viện bang Queensland, Australia cũng phải thông qua luật nghiêm ngặt hơn để bảo vệ rạn san hô Great Barrier lớn nhất thế giới. Theo đó, các  quy định mới sẽ giúp hạn chế các nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước kém trong vùng biển có san hô như chất cặn và thuốc trừ sau từ những trang trại ven biển thải ra. Ngoài ra, luật cũng tăng số lượng ngành sản xuất và khu vực bị hạn chế đưa chất thải ra biển.

Rạn san hô Great Barrier là miếng nam châm thu hút khách du lịch, mang lại ít nhất 4 tỷ USD/năm cho nền kinh tế Australia. Tuy nhiên, nó đang bị xuống cấp nghiêm trọng những năm gần đây do phải đối mặt với nhiệt độ nước biển tăng vì biến đổi khí hậu cũng như tình trạng ô nhiễm.

Linh Anh tổng hợp