Đoàn ĐBQH TP Hà Nội góp ý Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Rà soát mức đầu tư và thẩm quyền quyết định

- Thứ Bảy, 11/05/2019, 08:22 - Chia sẻ
Nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc sửa đổi, tuy nhiên, nhiều đại biểu dự Hội nghị góp ý về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức mới đây cho rằng: Còn nhiều nội dung cần xem xét, rà soát, đánh giá kỹ để giải quyết những hạn chế, vướng mắc và những vấn đề phát sinh từ thực tế.

Chắt lọc những điểm nghẽn

Theo các đại biểu, sau hơn 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã đạt được những kết quả tích cực nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Trong đó, nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, dẫn tới khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của Luật.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, đa số đại biểu cho rằng: Thời gian triển khai thực hiện Luật đến nay là quá ngắn (trong hồ sơ Chính phủ trình có báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Luật). Vì vậy, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cả Trung ương và địa phương; đồng thời tổ chức đánh giá đầy đủ, toàn diện những chính sách dự kiến để các nội dung được đưa vào dự thảo luật phục vụ cho việc sửa đổi phải phù hợp với thực tiễn, bảo đảm chất lượng của văn bản. Đơn cử như ở Khoản 1 Điều 7 Dự thảo có đưa ra tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia là 20.000 tỷ đồng trở lên; hoặc Khoản 2 Điều 8 đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 4.600 tỷ đồng trở lên... Đại biểu cho rằng, nên lựa chọn, chắt lọc những vấn đề là điểm nghẽn cơ bản nhất trong quá trình thực hiện luật để sửa.


Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại hội nghị Ảnh: Diệp Anh

Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của HĐND cùng cấp giữa 2 kỳ họp, để xử lý việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn hoặc hàng năm và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm phù hợp với Luật NSNN và linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, cũng nhằm bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (Khoản 3, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: ‘‘Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND’’).

Về các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, theo đại biểu Phạm Thu Trang (Sở Tài chính TP Hà Nội), đối với vốn chuẩn bị đầu tư, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định để HĐND các cấp có thể quy định hình thức, cơ chế bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các dự án phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời, làm rõ khái niệm ‘‘chuẩn bị đầu tư’’ cho phù hợp với khái niệm ‘‘chuẩn bị dự án’’ theo quy định của Luật Xây dựng. ‘‘Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định về ‘‘vốn chuẩn bị thực hiện dự án’’ để cân đối, bố trí vốn thực hiện công tác thiết kế - dự toán công trình và GPMB (nếu có) phù hợp với nhu cầu vốn theo tiến độ triển khai…’’, bà Trang đề xuất.

Bám sát thực tiễn

Liên quan đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7-10), theo đại biểu Đỗ Minh Sơn (Hội Luật gia TP Hà Nội), việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia trên cơ sở điều chỉnh mức vốn đầu tư lên gấp đôi như dự thảo đã trình bày (từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C) là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.

 Qua nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Tài chính ngân sách cho thấy, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn… Đại biểu Đỗ Minh Sơn cho rằng, mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng; tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành là phù hợp… nhằm phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách.

Về vấn đề giao đơn vị lập đề xuất chủ trương đầu tư (tại Điều 24, 27), đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội, ông Vũ Duy Tuấn đề nghị bổ sung đối tượng tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tại Điểm 1, Khoản 1 như sau: ‘‘Giao cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc hoặc UBND cấp dưới tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi’’, vì ngoài cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (là các sở chuyên ngành) còn có các ban quản lý dự án trực thuộc UBND cấp tỉnh nhưng không phải là cơ quan chuyên môn có khả năng thực hiện nhiệm vụ nêu trên. ‘‘Thực tiễn triển khai của TP Hà Nội thời gian qua, UBND thành phố chủ yếu giao cho các Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành thành phố đối với các dự án cấp thành phố’’, ông Tuấn nêu dẫn chứng… Ở góc nhìn khác, một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ quy định về quản lý đầu tư đối với các dự án thành phần thuộc chương trình đầu tư công sau khi chương trình đầu tư công đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình (cụ thể, dự án thành phần có phải phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư không?).

Về quản lý nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Dự thảo đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng quản lý là không phù hợp, chỉ nên giao cho một bộ để bảo đảm một cơ quan đầu mối quản lý… Tương tự, theo luật sư Đỗ Minh Sơn, việc đề xuất dự án do 2 cơ quan cùng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chưa bảo đảm tập trung đầu mối trong quản lý, chưa phù hợp với pháp luật hiện hành.

HẢI PHONG