TP Hồ Chí Minh:

Quyết tâm giảm ô nhiễm từ nilon

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 08:46 - Chia sẻ
Để hạn chế tác hại của túi nilon, nhiều hoạt động tuyên truyền giảm sử dụng túi nilon được TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện, đã tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi sử dụng túi nilon khó phân hủy của cộng đồng.

Hành động cụ thể

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Đáng lo ngại, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, chỉ mất 5 giây để sản xuất, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, song để phân hủy thì cần từ 500 - 1.000 năm.

Để hạn chế tác hại của chất thải nhựa, túi nilon, thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh nhiều hoạt động cho tuyên truyền giảm sử dụng túi nilon đã được triển khai thực hiện, với sự hưởng ứng của nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn. Đơn cử như mới đây, theo kế hoạch liên tịch vừa được ký kết giữa Ủy ban MTTQ quận Tân Phú, Ban Dân vận Quận ủy quận Tân Phú, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND 11 phường và các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận, người dân đang tích cực thực hiện nói “không” với túi nilon. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Thực hiện kế hoạch chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 của UBND thành phố, UBND quận 1 cũng đã triển khai nhiều biện pháp để kêu gọi người dân, tiểu thương thực hiện việc giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy trên địa bàn. Theo đó, quận đã phát hàng nghìn cẩm nang tuyên truyền về tác hại túi nilon cho tiểu thương ở các chợ Bến Thành, Tân Định, Thái Bình; tổ chức lớp tập huấn giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy; thực hiện tặng mẫu túi nilon thân thiện cho các tiểu thương.

Trong khi đó, huyện Cần Giờ cũng tăng cường tổ chức tập huấn học viên là ban quản lý chợ, tổ trưởng ngành hàng, tiểu thương tiêu biểu tại các chợ về tác hại túi nilon và thải bỏ túi nilon đúng quy định. UBND quận Gò Vấp đã tổ chức hội nghị tuyên truyền giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy, xây dựng lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt cho các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng tiện ích, ban điều hành 186 khu phố, cán bộ ngành giáo dục, giáo viên, hội liên hiệp phụ nữ, UBND 16 phường.


Nhiều siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thực hiện cam kết hạn chế dùng túi nilon sử dụng một lần
Nguồn: ITN

Kiên trì và quyết tâm

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu: 100% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn môi trường; 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt chuẩn; giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí; 100% xã thực hiện xây dựng nông thôn mới; giảm thiểu 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước; áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tái chế, làm phân compost tỷ lệ 40% và chôn lấp hợp vệ sinh đạt 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt…

Thực hiện các hoạt động giảm thiểu sử dụng túi nilon một lần, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Đỗ Thị Diệu Thúy cho biết, tại các hệ thống siêu thị, việc thực hiện giảm túi nilon chuyển sang dùng các loại túi thân thiện với môi trường đạt hiệu quả đáng chú ý, với mức giảm gần 80%; cùng với đó, 100% siêu thị trên địa bàn thành phố đã chuyển sang dùng túi nilon thân thiện với môi trường, hiện nay chỉ còn chợ truyền thống và một số trung tâm thương mại vẫn chưa giảm theo chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, tỷ lệ, khối lượng nhựa, túi nilon phát tán từ hộ gia đình, hộ kinh doanh được thu gom, tái chế đạt 50,4%.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện đã chủ động ban hành kế hoạch tuyên truyền chương trình giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy đến người dân. Còn một số quận, huyện tuy không ban hành kế hoạch triển khai nhưng cũng đã chủ động lồng ghép chương trình tuyên truyền giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy vào chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường hoặc chương trình ngày hội phụ nữ vì môi trường…

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết, trải qua nhiều năm thực hiện, chương trình cũng đã có những tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi sử dụng túi nilon khó phân hủy của cộng đồng. Tuy nhiên, để hạn chế chất thải nhựa và tiến tới việc loại bỏ hoàn toàn túi nilon là một quá trình dài hơi, vì thế cần phải quyết tâm và kiên trì thực hiện mới đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Nhật Phương