Quyết tâm đảm bảo trật tự an toàn xã hội của Thủ đô

- Thứ Sáu, 06/12/2019, 18:05 - Chia sẻ
Trả lời tại phiên chất vấn về “công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, tập trung vào vấn đề phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn trong năm 2019” trong Chương trình Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV, Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương cho rằng: UBND TP cần kiến nghị HĐND TP có khoản kinh phí về an sinh xã hội để đảm bảo người dân có quyền được sống trong an ninh, an toàn. Ngoài các giải pháp của lực lượng công an, rất cần giải pháp của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền.
Theo Giám đốc Công an TP, trước hết cần nhận thức đúng thế nào là phòng ngừa xã hội và thế nào là phòng ngừa nghiệp vụ. Chúng tôi thường có cụm từ “gắn phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ trong phòng chống tội phạm”. Các đối tượng có tiền án tiền sự cơ quan Công an đang quản lý theo dõi được chúng tôi xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ; còn các mâu thuẫn trong xã hội có thể do bột phát, do thời gian thì là phòng ngừa xã hội. 
Vụ ở Đan Phượng là điển hình về chuyện phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an nhất là công an cơ sở. Chúng tôi đã yêu cầu công an huyện kiểm điểm, đội cảnh sát hình sự và cán bộ công an xã kiểm điểm. Vì mâu thuẫn giữa 2 anh em không phải bột phát mà đã có thời gian kiện cáo, mâu thuẫn nhau, nhân dân trong khu phố đều biết.

Vậy trách nhiệm nòng cốt về tham mưu của lực lượng công an ở đâu? "Tôi cũng không phải đổ trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đảm bảo ANTT là của toàn đảng toàn quân toàn dân. Vậy mâu thuẫn như thế thì tổ hòa giải ở đâu, vai trò chỉ đạo của mặt trận thế nào; hội phụ nữ, thanh niên ở đâu…? “Trách nhiệm là của cả hệ thống cơ sở, nhưng dù sao chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình với vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và tổ chức triển khai phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ chưa hiệu quả”, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhìn nhận trách nhiệm.
Trong phòng ngừa xã hội, một số đại biểu nêu vấn đề ngáo đá, ngáo rượu, tâm thần. Tháng 8/2016 Công an TP đã tổ chức nhiều hội thảo nêu ra khái niệm thế nào là ngáo đá; từ đó chỉ đạo các công an cơ sở rà soát lên danh sách các trường hợp ngáo đá, ngáo rượu. Tháng 8/2016, toàn TP có 257 đối tượng ngáo đá, Công an TP quyết tâm đưa hết số này vào cai nghiện. Nhưng việc đưa các đối tượng vào cai nghiện trong một hành lang pháp lý rất khó khăn, chỉ khi gia đình tự nguyện đưa đi mới giải quyết được.
Sau đó, Công an TP yêu cầu Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống ma túy hàng ngày nhắn tin cho tôi số liệu về sự tăng, giảm số lượng đối tượng ngáo đá, vì chính đối tượng này gây những thảm án không chỉ với người dân xung quanh mà với chính thân nhân gia đình. Tương tự, xử lý đối tượng tâm thần cũng rất khó khăn, vì đưa vào điều trị phải có kinh phí. Chính quyền không thể đủ tiền để “làm từ thiện”, gia đình phải có trách nhiệm, nhưng nhiều gia đình không có tiền, vào bệnh viện cho vào vài tháng hết tiền cũng phải cho ra…
Giám đốc Công an TP đề nghị UBND TP kiến nghị HĐND TP có khoản kinh phí về an sinh xã hội để đảm bảo người dân có quyền được sống trong an ninh an toàn. Ngoài các giải pháp của lực lượng công an rất cần giải pháp của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền.
Trả lời chất vấn về tội phạm ngoại tỉnh của đại biểu Đoàn Việt Cường, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, Hà Nội và TP HCM là 2 TP có số lượng người dân ngoại tỉnh đến sinh sống học tập và làm việc nhiều, kéo theo số lượng tội phạm cũng tăng nhanh. Tuy nhiên, trong quy định của Bộ CA, khi các đối tượng có tiền án tiền sự từ các tỉnh di cư vào Hà Nội, công an Hà Nội đều có sự phối hợp, kiểm soát chặt chẽ; các đối tượng chưa có tiền án tiền sự cũng được tổ chức nắm tình hình. Hàng năm, công an TP Hà Nội đều tổ chức tổng kiểm tra hộ khẩu. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để phát hiện những đối tượng ngoại tỉnh vào Hà Nội phạm tội.
P.L