Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVI

Quyết sách bứt phá

- Thứ Bảy, 17/08/2019, 07:47 - Chia sẻ
Với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, Kỳ họp thứ 10 (bất thường) HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVI đã thành công tốt đẹp với 11 nghị quyết được thông qua. Việc thông qua các nghị quyết trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước, huy động nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Bám sát thực tế

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đã xem xét, nghiên cứu và biểu quyết thông qua các nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới, đặc biệt là nội dung liên quan đến công tác sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn. Theo Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, toàn bộ dân số, diện tích huyện Kỳ Sơn sẽ sáp nhập vào thành phố Hòa Bình. Việc sắp xếp, sáp nhập các xã không đủ điều kiện về diện tích, dân số trong tỉnh sẽ giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã, tiết kiệm được khoản chi lớn cho ngân sách.


Các đại biểu tham gia thảo luận tổ Ảnh: Trần Tâm

Sau kỳ họp này, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành có kế hoạch triển khai cụ thể, thực hiện hiệu quả các nghị quyết đã được kỳ họp thông qua. Đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tích cực, chủ động nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn đời sống để kịp thời phản ánh, kiến nghị với HĐND, UBND và các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết của kỳ họp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đăng Ninh

Nhìn nhận vấn đề này, đại biểu Vũ Quốc Tam (huyện Lạc Sơn) cho biết, người dân rất đồng tình và phấn khởi với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh và nghị quyết của HĐND tỉnh còn chậm và sẽ liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện của Hòa Bình sau này, nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính. Do vậy, khi sáp nhập các đơn vị hành chính, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc điều chỉnh các thông tin cá nhân để tránh ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân sau khi sắp xếp.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, khi sáp nhập các xã, phường đối với các công trình công cộng, y tế, nhà văn hóa cần phải sắp xếp lại để bảo đảm việc phân bổ nguồn vốn NTM cho phù hợp tình hình thực tế. Mặt khác, sau khi sáp nhập, nhiều địa phương có điểm trung tâm còn cách xa, gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành. Do vậy, UBND tỉnh cần xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, kịp thời hướng dẫn việc xác định lại đơn vị hành chính, có cơ chế chính sách phù hợp; cũng như việc sử dụng, quản lý, quy hoạch cán bộ, quản lý tài sản chung và việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trạm y tế và các thiết chế văn hóa khác; kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ, cơ sở vật chất và có lộ trình thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn sau khi có Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính của UBTVQH…

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đăng Ninh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục giải quyết về cơ sở hạ tầng, bảo đảm công trình mới hoạt động hiệu quả và quyền lợi cho người dân sau khi sáp nhập về các dịch vụ công của xã. Đồng thời, UBND tỉnh cần xem xét kĩ việc sáp nhập các xã tại một số huyện, đặc biệt là việc sáp nhập những xã có diện tích lớn và dân số đông để bảo đảm tốt công tác quản lý nhà nước; đồng thời cần quan tâm, có phương án giải quyết các cơ sở vật chất dư thừa sau khi sáp nhập để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Bảo đảm quyền lợi cho cán bộ không chuyên trách

Trong dự thảo nghị quyết về mức hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ việc do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, nhiều đại biểu cho rằng, mức hỗ trợ theo dự thảo nghị quyết còn thấp nên chưa khuyến khích, động viên được các đối tượng hưởng chính sách. Do vậy, các đại biểu đề nghị, tỉnh cần có lộ trình cụ thể và chính sách thích hợp để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, người lao đông dôi dư; đồng thời, xem xét nâng mức hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động khi nghỉ để động viên, khuyến khích cho các đối tượng này, vì hiện mức đề xuất trong dự thảo nghị quyết chỉ có 500.000 đồng/tháng.

Chủ tọa kỳ họp đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với UBND tỉnh khi thông qua nghị quyết về hỗ trợ chính sách cho cán bộ dôi dư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần đánh giá, phân tích làm rõ mức hỗ trợ cho các đối tượng nghỉ công tác để giải quyết chế độ hưu và thôi việc theo nguyện vọng hoặc dôi dư có mức cao hơn hay thấp hơn chính sách của Trung ương quy định. Đồng thời, xác định rõ lộ trình thực hiện cho từng năm, từng giai đoạn, nêu rõ việc bố trí nguồn lực để chi trả và số lượng đối tượng nghỉ để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Cũng trong phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp về: Việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương; phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng trung hạn và nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM; điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 95/2018/NQ-HĐND ngày 4.7.2018 của HĐND tỉnh; thông qua quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín trên địa phận huyện Lạc Thủy; xem xét quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2019 - 2020 trên địa bàn… Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét, làm rõ cơ sở pháp lý, nguồn lực việc đề nghị Trung ương bổ sung các dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng; tính hiệu quả, khả thi khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

TRẦN TÂM