Nhịp cầu

Quyết liệt xử lý khai thác cát trái phép

- Thứ Hai, 13/08/2018, 07:35 - Chia sẻ

Tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân đã diễn ra nhiều năm trên địa bàn tỉnh Nam Định, gây bức xúc trong nhân dân. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng cùng với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri, khu vực cửa sông Hồng (mỏ cát Giao Thiện) vẫn còn xuất hiện rất nhiều tàu vận tải hàng trăm tấn khai thác cát trái phép. Việc khai thác gần bờ gây sạt lở đê sông ảnh hưởng vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy. Theo đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép khu vực này.

Trả lời ý kiến phản ánh của của cử tri, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan khẳng định, từ đầu năm 2017, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã tăng cường quản lý, kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác cát trái phép và tăng cường công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát sông. Ngày 6.6.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1243/QĐ-UBND về thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Nam Định. Qua kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành và báo cáo của huyện Giao Thủy thì đến nay, việc khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện không còn. Đơn vị được cấp phép khai thác cát đã lập Đồ án cải tạo phục hồi môi trường và Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, các công trình phụ cận và môi trường sinh thái cũng như Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Tình trạng sạt lở đê ở một số đoạn thuộc xã Giao Hương, Giao Thiện địa phận cửa sông Hồng, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới năm 2017 chứ không hoàn toàn do khai thác cát trái phép như cử tri đã phản ánh.

Ông Hoan cũng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19.3.2018 về việc tăng cường QLNN về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định và Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 2.5.2018 về quy định trách nhiệm phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Định. Sở TN - MT cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện lập Kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đồng thời, tổng hợp phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Qua theo dõi, giám sát trên địa bàn các huyện, tình trạng khai thác cát trái phép đã cơ bản không còn diễn ra. Hiện nay, tỉnh đã cấp phép khai thác cát cho 2 mỏ gồm mỏ cát cửa Ba Lạt thuộc huyện Giao Thủy (cấp năm 2013) và mỏ cát tại khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng (cấp tháng 9.2017) để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và san lấp các công trình hạ tầng trọng điểm của tỉnh như: Khu công nghiệp Dệt May Rạng Đông, đường 489C...

Thực tế, theo phản ánh của cử tri thì tình trạng một số ít tàu khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn diễn ra, hoạt động về đêm ở các khu vực giáp ranh với tỉnh Thái Bình. Các tàu khai thác này chủ yếu là của Công ty Cát Đại Lợi thuộc địa phận TP Thái Bình. Cử tri mong muốn UBND tỉnh Nam Định sớm phối hợp với UBND TP Thái Bình có phương án xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. 

ĐÀO CẢNH