Quyết định hợp lý, hợp tình

- Thứ Tư, 05/08/2020, 16:14 - Chia sẻ
Với 9/13 phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất năm 2021 không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Đây là kết quả không mấy bất ngờ và là một trong những lần Hội đồng đưa ra quyết định nhanh nhất, chỉ với hai phiên họp.

Theo Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng - đại diện người lao động, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua và thời gian tới. "Sức khỏe" doanh nghiệp như thế nào phụ thuộc nhiều vào việc khắc phục hậu quả dịch Covid -19. Thế nhưngcác số liệu đưa ra chỉ là dự báo và không rõ thời điểm khắc phục... Bởi vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị thống nhất chưa bàn đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2021 và tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP đến 1.7.2021, sau đó đầu năm 2021 căn cứ tình hình để xem xét điều chỉnh tiền lương. Năm 2021, hội đồng sẽ thực hiện theo thành phần mới của Bộ Luật Lao động năm 2019. Việc xem xét tiền lương tối thiểu cũng áp dụng theo 7 tiêu chí của Bộ Luật Lao động năm 2019. Do đó, Hội đồng Tiền lương sẽ họp và xem xét có thể điều chỉnh hoặc không tăng vào quý I, quý II.202.

Trước đó, đại diện các bên tham gia phiên họp đã trao đổi với báo chí về quan điểm của mình. Phó trưởng ban Lê Đình Quảng cho rằng, năm 2020, các nền kinh tế, doanh nghiệp, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ dựa trên cơ sở diễn biến của phiên đàm phán để có phương án phù hợp, vừa bảo đảm đời sống của người lao động vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng của doanh nghiệp… Trường hợp Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, Tổng Liên đoàn sẽ phân tích tình hình cho người lao động để có sự thấu hiểu, cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng tăng cường biện pháp để bảo đảm điều kiện lao động, giữ chân người lao động, khắc phục vượt qua khó khăn.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng thì nhận định: Thời điểm 6 tháng đầu năm 2020 chưa phải là đỉnh điểm của tình trạng thất nghiệp do các doanh nghiệp vẫn "túc tắc" duy trì đơn hàng cũ. Tuy nhiên hiện nay, dịch Covid-19 tái bùng phát đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tác động lớn đến vấn đề lao động việc làm của người lao động. Những ngành "ngấm đòn" nặng nề nhất hiện nay là dệt may, da dày và ngành thâm dụng nhiều lao động. Doanh nghiệp hiện tại rất khó khăn nên việc giữ vững việc làm cho người lao động cũng vô cùng gian khó. Tình hình này diễn ra ngay cả với các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã phải cho nhân viên nghỉ luân phiên và chi trả mức lương tối thiểu. Nước ta cũng đã phải triển khai các gói hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp thoát khỏi giai đoạn bĩ cực này nên việc tăng lương tối thiểu vùng 2021 trong bối cảnh hiện nay là bất khả thi.

Cũng theo ông Phòng, ngay từ phiên họp đầu tiên của Hội đồng, VCCI đã kiến nghị không tính đến việc điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2021 để "bồi dưỡng sức khỏe doanh nghiệp", giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Tại phiên họp này, VCCI tiếp tục bảo lưu quan điểm này để bảo đảm doanh nghiệp có cơ hội hồi phục...

Cần nhắc lại rằng chưa bao giờ các bên tham dự phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia có thể nhanh chóng tìm được "tiếng nói chung" về mức tăng lương tối thiểu vùng. Thế nhưng, năm nay, phiên họp diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Bởi vậy, như chia sẻ của ông Phòng là người lao động cần cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp để cùng vượt qua dịch, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Hy vọng trong thời gian tới, khi tình hình chuyển biến tốt hơn chúng ta tính đến chuyện điều chỉnh cho phù hợp.

Trong bối cảnh hiện nay, không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là quyết định hợp lý, hợp tình.

Khương Ninh