Quyền tự chủ là phương tiện để đạt tới mục tiêu chất lượng và hiệu quả đào tạo

- Thứ Bảy, 26/05/2012, 08:40 - Chia sẻ
Có nên giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học hay không? Và nếu có thì nên giao ở mức độ như thế nào? Giải đáp những băn khoăn này, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ ĐÀO TRỌNG THI cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học phải có lộ trình phù hợp. Nếu giao quyền tự chủ cho những cơ sở chưa sẵn sàng tiếp nhận, chưa có khả năng thực hiện thì có thể kết quả nhận được sẽ ngược lại với mong muốn. Tự chủ không phải là mục tiêu. Tự chủ chỉ là một phương tiện để đạt đến mục tiêu cuối cùng làâ chất lượng và hiệu quả đào tạo.

- Tại Phiên thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học sáng qua, các ĐBQH đã đưa nhiều gợi mở trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo Luật. Với góc độ của cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về những ý kiến đóng góp này?

 
- Trong thời gian qua, giáo dục đại học nước ta có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô đào tạo cũng như số lượng các cơ sở đào tạo. Song năng lực đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế, khiến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thực tế cho thấy, khung pháp lý điều chỉnh loại hình giáo dục này chưa chặt chẽ, còn phân tán và hiệu quả pháp lý không cao. Luật Giáo dục là luật khung bao gồm những nguyên tắc chung nhất điều chỉnh hoạt động của tất cả các cấp học, bậc học, không đủ chi tiết, cụ thể và toàn diện đối với hoạt động của một số lĩnh vực đặc thù như dạy nghề, đào tạo đại học... Tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII, dự thảo Luật Giáo dục đại học đã được bổ sung nhiều điều, khoản hoặc quy định cụ thể, chi tiết hơn để giải quyết thỏa đáng những vấn đề cơ bản, cấp bách của giáo dục đại học. Là cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng theo hướng tiếp thu tối đa các ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học này.

- Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Giáo dục đại học, một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm và còn ý kiến khác nhau là có nên giành quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học hay không. Quan điểm của Chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?

Một trong những mục tiêu khi xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học là: bảo đảm để quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mô hình đào tạo đại học được phát huy tối đa. Bởi, quyền tự chủ là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển. Nhưng, cũng phải nhìn nhận một thực tiễn là phần lớn trường đại học ở nước ta chưa phát triển đến mức trở thành một trường đại học thực thụ. Giữa các trường chưa đồng đều về cơ sở hạ tầng, giảng viên, thương hiệu đào tạo... Do đó, việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học phải có lộ trình phù hợp. Giao quyền tự chủ không phải để các trường có quyền này mà cần đi xa hơn nữa: có quyền tự chủ để đạt được hiệu quả, chất lượng đào tạo cao hơn. Việc giao quyền tự chủ cho những người chưa sẵn sàng tiếp nhận, chưa có khả năng thực hiện quyền này thì sẽ nhận kết quả ngược lại. Đó có thể là tình trạng vi phạm nguyên tắc quản lý xảy ra nhiều hơn và có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì thế, tự chủ không phải là mục tiêu. Tự chủ chỉ là một phương tiện để đạt đến mục tiêu cuối cùng là chất lượng và hiệu quả đào tạo.

- Chỉ trao quyền tự chủ cho những cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện, đủ khả năng thực hiện. Cơ chế này được thể hiện như thế nào trong dự thảo Luật, thưa Chủ nhiệm?

Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở giáo dục đại học, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học trên thế giới. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự thảo Luật và được quy định bằng các quy phạm pháp luật cụ thể tại các điều, khoản cụ thể. Theo đó, các quyền tự chủ trong những lĩnh vực chủ yếu đều trao cho trường đại học. Điều 33 quy định mang tính nguyên tắc về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Tại khoản 2, Điều 33 cũng quy định về một số quyền tự chủ cao hơn nằm trong những vấn đề mà các cơ sở giáo dục đại học được chủ động thực hiện. Nhưng quyền này chưa giao cho tất cả các trường mà dành cho những cơ sở có năng lực thực hiện. Đây là động lực khuyến khích các trường đầu tư nâng cao năng lực quản lý, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo... để được trao quyền tự chủ nhiều hơn, phục vụ sự phát triển của trường. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định theo hướng hạn chế quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ; quy định rõ chế tài xử lý cơ sở có hành vi vi phạm khi thực hiện quyền tự chủ.

- Xung quanh dự án Luật Giáo dục đại học, tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn về mô hình trường đại học quốc gia…

- Chúng ta đang trong quá trình đổi mới giáo dục đại học. Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để tìm ra mô hình quản lý đặc thù, phương thức đầu tư tập trung, những mô hình quản trị chuyên biệt. Xây dựng mô hình đại học quốc gia cũng để thực hiện các mục tiêu này. Do đó, tại Luật Giáo dục đại học cần có một số quy định khái quát về địa vị pháp lý, cơ chế hoạt động đặc thù của mô hình giáo dục này. Có thể thấy, đại học quốc gia bao gồm hai cấp là đại học quốc gia và các trường trực thuộc đều là một cơ sở giáo dục đại học. Do đặc thù này nên cần có quy định riêng trong dự thảo Luật để việc phối hợp hai loại cơ sở giáo dục trong một hệ thống được nhịp nhàng, không dẫm đạp lên nhau và đạt hiệu quả đào tạo tốt nhất.

Mặt khác, đại học quốc gia và đại học vùng có cơ cấu đa lĩnh vực, tổ chức theo hai cấp giống nhau. Song đại học quốc gia có vị thế đặc biệt mang tầm quốc gia; có sứ mạng đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao ngang tầm khu vực, tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế. Đại học quốc gia có vai trò là đầu tàu đổi mới của hệ thống giáo dục đại học nước ta. Trong khi đó, đại học vùng là cơ sở đào tạo đại học trọng điểm, có vai trò then chốt đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ cho một vùng kinh tế - xã hội với địa vị pháp lý tương ứng. Do đó, việc phân biệt các đại học và đại học quốc gia là cần thiết để có chính sách đầu tư và cơ chế quản lý phù hợp.

- Xin cảm ơn Chủ nhiệm!

Phương Thủy ghi