Hoạt động giám sát của cá nhân ĐBQH:

Quyền năng chưa sử dụng hết

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:26 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Quyền năng giám sát của ĐBQH dường như mới chỉ thực hiện tốt khi lồng trong các hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, các đoàn ĐBQH, còn hoạt động giám sát với tư cách cá nhân ĐBQH độc lập còn chưa được thể hiện mạnh mẽ. Đây không chỉ là việc của cá nhân đại biểu mà còn ở chất lượng, cơ cấu đại biểu và điều kiện hoạt động, đặc biệt là hướng tới hoạt động chuyên nghiệp.

Hoạt động giám sát của cá nhân ĐBQH thể hiện qua tiếp xúc cử tri, tham gia hoạt động giám sát tối cao, giám sát chuyên đề của QH, UBTVQH, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Trong đó, đáng chú ý là thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH. Quyền chất vấn được các đại biểu phát huy mạnh mẽ trên tinh thần xây dựng, dân chủ, thẳng thắn, hiệu quả... Hoạt động chất vấn được cử tri đánh giá rất cao, thể hiện trước hết qua sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân trong các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Trong nhiệm QH Khóa XIII, lần đầu tiên QH đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Từng ĐBQH, bằng lá phiếu của mình, thông qua các kênh thông tin, khả năng đánh giá của cá nhân trên cơ sở ý kiến cử tri gửi gắm, đã bỏ lá phiếu tín nhiệm công tâm, khách quan, đánh giá đúng năng lực từng vị trí được lấy phiếu tín nhiệm. Những lá phiếu này đã thúc đẩy người được lấy phiếu không ngừng phấn đấu, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn của nhiều ngành, lĩnh vực.

 “Có yếu tố khách quan từ cơ chế có tạo điều kiện cho người ta hay không? Đôi khi, chính những văn bản của ĐBQH như chúng tôi gửi đi cũng không được trả lời. Yếu tố nữa chính là năng lực của ĐBQH, năng lực đó phải bảo đảm tính chuyên nghiệp. Rất tiếc, QH chúng ta về mặt cơ cấu và hoạt động, điều này là điều còn hạn chế. Mặc dù QH đã nhận ra, nhưng quy trình để đi đến một QH chuyên nghiệp còn nhiều rào cản. Cho nên các ĐBQH có quyền năng rất lớn nhưng không phát huy được hết”, đại biểu Dương Trung Quốc nhận định.

Dường như quyền năng giám sát của ĐBQH mới chỉ thực hiện tốt khi lồng trong các hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, các đoàn ĐBQH, còn hoạt động giám sát với tư cách cá nhân ĐBQH độc lập còn chưa được thể hiện mạnh mẽ. Với vai trò, vị trí đã được luật định, cá nhân ĐBQH phải thể hiện được quyền đại diện cho dân giám sát bộ máy nhà nước. Thông qua tiếp xúc với cử tri, ĐBQH sẽ tiếp xúc được với thực tiễn địa phương, những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, những khúc mắc trong triển khai chính sách, pháp luật; từ đó, phản ánh những ý kiến ấy đến các cơ quan có trách nhiệm, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị và thông báo cho cử tri các kết quả giải quyết.

Theo ĐBQH Dương Trung Quốc phân tích rõ, muốn phát huy được trách nhiệm ĐBQH phải có đầy đủ tri thức, đầy đủ thông tin, có đủ bộ máy tư vấn đại biểu trả lời vấn đề đó như thế nào. Về mặt tri thức, mỗi ĐBQH không thể nào nắm được đầy đủ tất cả các thông tin. Ở nhiều quốc gia, mỗi ĐBQH có một nhóm thư ký, những người giúp việc, rồi có thể có cả văn phòng. Cần phải có các công cụ, điều kiện, kể cả điều kiện tài chính để bất kỳ vấn đề nào đó khi ĐBQH bấm nút hay ký vào văn bản, là dựa trên việc đại biểu đã nhận thức được vấn đề một cách hết sức sâu sắc với tinh thần trách nhiệm cao, đứng trên lợi ích của cử tri, của đất nước.

Cho rằng thực tiễn việc thực hiện giám sát của cá nhân ĐBQH hết sức khó khăn, đại biểu Dương Trung Quốc dẫn chứng ví dụ về chính bản thân mình: “Tôi thuộc đơn vị bầu cử ở hai huyện Tân Phú và Định Quán (Đồng Nai). Tôi không phải là ĐBQH chuyên trách, lại không sống ở địa bàn mình ứng cử là tỉnh Đồng Nai nên gần 15 năm nay, với 3 nhiệm kỳ QH nhưng nhiều vùng mình cũng chưa tiếp xúc được với cử tri và cử tri cũng trách mình chuyện này là một sự thật”.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Hoa Sinh cho rằng, để một ĐBQH chủ động đưa ra kế hoạch giám sát của mình từng năm và cả nhiệm kỳ theo quy định của luật thì nhiệm kỳ QH Khóa XIII chưa làm được nhiều. Hiện nay, ĐBQH chúng ta đa phần là kiêm nhiệm. Thời gian dành cho việc giám sát của cá nhân ĐBQH còn hạn chế, phần lớn thời gian ĐBQH còn phải dành cho hoạt động chuyên môn của mình. Do đó, nhiệm kỳ QH tới đây cần phải có đánh giá kỹ hơn về nội dung này.

Làm thế nào để cá nhân ĐBQH phát huy đầy đủ quyền năng của mình trong hoạt động giám sát? Theo đại biểu Dương Trung Quốc, với cơ chế hiện hành thì ĐBQH chỉ lấy nỗ lực cá nhân là trách nhiệm nhất. Đồng thời, hiện nay còn cái thiếu là làm sao để người dân giám sát được chính đại biểu của mình. Mối quan hệ không chỉ là đại biểu xuống với dân mà người dân còn giám sát được đại biểu. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi căn bản cơ cấu của QH, hạn chế tính cơ cấu, tăng cường tính chuyên nghiệp, đấy là xu thế để QH có chất lượng cao, tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu và nhân dân trên cơ sở là sự giám sát của chính các cử tri.

Trúc Sơn