Quyền lực của Chủ tịch Hạ viện

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:35 - Chia sẻ
Được nhiều người coi là nhân vật quyền lực nhất Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ là người chủ tọa Viện và lãnh đạo đa số tại Viện này. Từ năm 1947, Chủ tịch Hạ viện xếp thứ hai sau Phó tổng thống trong việc kế nhiệm Tổng thống. “Không một thành viên nào khác của Quốc hội được mọi người biết đến và có quyền lực như Chủ tịch Hạ viện”; “với tư cách là người được chọn từ những người đắc cử, Chủ tịch Hạ viện đứng cạnh Tổng thống như bộ mặt của quốc gia” - một nhà nghiên cứu về Quốc hội Mỹ đã viết như vậy.

Đương kim chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner và chiếc búa quyền lực

 

Tuy nhiên, chức danh Chủ tịch Hạ viện không phải lúc nào cũng được phú cho một uy tín như vậy. Trong hai thập niên đầu tiên của Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Hạ viện chủ yếu là một chức danh hữu danh vô thực. Cho đến khi Henry Clay đắc cử chức vụ này vào năm 1811 thì Chủ tịch Hạ viện mới có chút quyền lực thật sự ở Hạ viện. Sau khi Clay rời Hạ viện năm 1825, quyền lực của Chủ tịch Hạ viện trải qua thăng trầm, nhưng không ai giành được ảnh hưởng lớn cho đến năm 1890, khi Thomas Reed, nghị sĩ đảng Cộng hòa đắc cử chức vụ này. Ông đã dùng quyền lực vượt qua sự chống đối của phe đối lập, thống nhất hành động trong Hạ viện. Về cơ bản ông đã thiết lập quyền tuyệt đối của phe đa số để kiểm soát quy trình lập pháp ở Hạ viện.

 

Nối tiếp Sa hoàng Reed là Cannon làm Chủ tịch Hạ viện từ 1903 đến 1911 với phong cách chuyên quyền, dẫn đến sự chống đối mạnh vào năm 1910. Cuối cùng, các quyền hạn của Chủ tịch Hạ viện đã bị hạn chế, đồng thời những thay đổi trong quy tắc về các nhóm đảng cũng làm giảm quyền lực của chức danh Chủ tịch Hạ viện. Những sự kiện này đã có tác động lâu dài đối với chức danh này, dẫn đến tình trạng cho đến giữa những năm 1970 quyền lực ở Hạ viện chủ yếu tập trung vào tay các vị Chủ nhiệm Ủy ban. Những cải cách vào thập niên 1970 đã phục hồi phần lớn các quyền hạn của Chủ tịch Hạ viện.

Mặc dù vậy, mọi Chủ tịch Hạ viện kể từ thời sau Cannon đều giành được ảnh hưởng chủ yếu nhờ uy tín, sự thuyết phục, điều đình, mặc cả cá nhân. Điều đó không có nghĩa là các Chủ tịch Hạ viện không sử dụng thẩm quyền của mình để đạt được các mục tiêu. Truyền thống và luật bất thành văn buộc Chủ tịch Hạ viện luôn phải áp dụng những quy định của Hạ viện. Tuy nhiên, vẫn có những vùng mờ mà ở đó ông ta có thể đối xử phân biệt, có nhiều cơ hội để vận dụng các quy định có lợi cho đảng của mình.

Trong thời đại ngày nay, Chủ tịch Hạ viện luôn phải quan tâm để những hàng động của mình được đa số đảng ủng hộ. Chẳng hạn, Chủ tịch Hạ viện, nghị sĩ Cộng hòa Jim Wright đã gây ra sự bực bội, vì hành động mà không tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo cũng như của các nghị sĩ trong đảng. Cùng với thái độ hung hăng, đôi khi thô bạo đã khiến ông gặp rắc rối và bị tổn thương về mặt chính trị, dẫn đến việc từ chức Chủ tịch Hạ viện và mất ghế nghị sĩ. Ngược lại, nghị sĩ Cộng hòa Newt Gingrich, Chủ tịch Hạ viện nhiều quyền lực nhất từ thời Cannon đã vượt qua nhiều rắc rối liên quan đến đạo đức cá nhân nhờ nhận được sự ủng hộ từ đảng và các đồng sự.

Từ trước tới nay, trong số các gương mặt quyền lực này, chỉ duy nhất vào năm 2006 một nữ nghị sĩ được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, đó là bà Nancy Pelosi. Khi Tổng thống Bush đọc Thông điệp liên bang trước toàn thể Quốc hội Mỹ, ông đã đề cập đến sự kiện này với những lời mở đầu: “Tối nay, tôi có đặc quyền và niềm vinh hạnh cao cả, chỉ của tôi thôi, với tư cách là Tổng thống đầu tiên được bắt đầu Thông điệp liên bang với những từ sau đây: Thưa bà Chủ tịch Hạ viện”.

Minh Thy