Văn phòng nghị viện

Quyền kiểm soát của nghị viện đối với cơ quan giúp việc

- Thứ Sáu, 27/04/2012, 07:39 - Chia sẻ
Nghị viện các nước được biết đến nhiều hơn qua các phiên họp, với những cuộc tranh luận giữa các nghị sỹ, sự xuất hiện đều đặn của các ông nghị, bà nghị trên các trang báo… Nhưng đằng sau đó, để cả bộ máy nghị trường vận hành, không thể thiếu công việc của bộ phận giúp việc, thường được gọi Ban Thư ký nghị viện (Parliamentary Secretary) hay Văn phòng nghị viện.

Các nước đều có nguyên tắc, nghị viện phải có quyền kiểm soát bộ phận giúp việc của mình, không để quyền này thuộc hành pháp, cũng không để các chính đảng gây áp lực, ảnh hưởng. Nghị viện không chỉ có quyền và nguồn lực tuyển chọn nhân sự giúp việc, mà còn quy định các tiêu chuẩn về việc làm đối với nhân sự (dĩ nhiên không trái luật lao động và các điều ước quốc tế liên quan). Chẳng hạn, Liên minh nghị viện các nước khối Thịnh vượng chung cho rằng, cơ quan lập pháp chứ không phải hành pháp phải được kiểm soát khối giúp việc nghị viện và quy định các điều kiện làm việc của khối này.

Không những thế, mối quan hệ giữa người đứng đầu nghị viện, bộ phận giúp việc và người đứng đầu bộ phận giúp việc (Tổng thư ký) cũng phải rõ ràng. Trong khi Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện là nhân vật chính trị, do bầu cử mà có, thì Tổng thư ký của Viện đó là nhân vật không thuộc đảng nào cả và nhận được sự tin tưởng của toàn thể nghị viện, chịu trách nhiệm trước nghị viện. Chức danh này được bổ nhiệm hoàn toàn dựa trên năng lực chuyên môn và sự cống hiến, chứ không xuất phát từ những phẩm chất chính trị và quy trình chính trị như bầu cử, đồng thời phải có những cơ chế bảo đảm sự độc lập ngăn ngừa áp lực chính trị đối với Tổng thư ký nghị viện, ví dụ như ở nhiều nước, Tổng thư ký có thể tại vị lâu, qua nhiều nhiệm kỳ của nghị viện.

Sự kiểm soát của nghị viện đối với bộ máy giúp việc của mình được thể hiện rõ nét qua việc tuyển chọn Tổng thư ký nghị viện. Có ba cách thức chính để bổ nhiệm Tổng thư ký nghị viện: thứ nhất, do Chủ tịch của Viện bổ nhiệm như ở Algeria, Cộng hòa Séc, Israel, Ba Lan, Ukraine, Uruguay; thứ hai, do một cơ quan trong nghị viện bổ nhiệm như ở Pháp, Ý, Hà Lan, Nga, Niger, Tây Ban Nha; thứ ba, do toàn thể Viện đó bổ nhiệm như ở Romania, Mỹ. Sau đó, các quan chức khác trong Văn phòng nghị viện có thể do Tổng thư ký bổ nhiệm như ở Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, hoặc thuộc thẩm quyền của một cơ quan của nghị viện phản ánh thành phần của nghị viện như ở Bỉ, Congo, Brazil, Thụy Điển.

Bên cạnh đó, nghị viện cũng cần phải phân biệt giữa bộ máy giúp việc phi đảng phái và theo đảng phái. Ngoài Tổng thư ký nghị viện với bộ máy giúp việc của Tổng thư ký luôn luôn là người không theo đảng phái nào trong nghị viện, tùy từng nước, nghị viện sẽ quyết định vị trí nào trong bộ máy giúp việc là phi đảng phái (ví dụ giúp việc cho các ủy ban), vị trí nào không (ví dụ giúp việc cho các nhóm đảng hoặc cho cá nhân nghị sỹ). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để cân bằng giữa sự độc lập của bộ máy giúp việc và sự kiểm soát của nghị viện đối với bộ máy, nên theo mô hình Tổng thư ký do một cơ quan của nghị viện bổ nhiệm, Tổng thư ký chịu trách nhiệm thường xuyên trước nghị viện, nhưng có thẩm quyền kiểm soát và quản lý bộ máy giúp việc chung của nghị viện. Bộ máy giúp việc chung của nghị viện do Tổng thư ký đứng đầu cũng phải trung lập, phi đảng phái, cung cấp dịch vụ về tổ chức, kỹ thuật, quy trình, thủ tục cho mọi nghị sỹ thuộc các xu hướng chính trị khác nhau.

Hoài Thu