Pháp luật Mỹ về quyền tiếp cận thông tin

Quyền được biết của dân chúng

- Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:26 - Chia sẻ
Vị Tổng thống thứ tư của nước Mỹ - James Madison từng viết năm 1822: “Một Chính phủ vì dân mà không có sự phổ biến thông tin cho dân chúng hoặc không có phương tiện để tiếp cận thông tin thì chỉ là sự bắt đầu cho một trò hề hoặc chính là một tấn thảm kịch, hoặc có lẽ là cả hai thứ đó. Tri thức sẽ luôn thống trị sự ngu dốt, và nhân dân chính là người bầu ra các thống đốc của họ, họ có quyền và họ cần phải biết những gì Chính phủ của họ đang làm”.

Tài liệu của Chính phủ thuộc quyền sở hữu của dân

Một trong những thành tố quan trọng giúp bảo đảm tính minh bạch của Chính phủ là việc bảo đảm quyền được biết của dân chúng, thông qua Luật về Tự do thông tin (FOIA). Đạo luật này được thông qua lần đầu tiên năm 1966, quy định về nguyên tắc, các tài liệu của Chính phủ thuộc quyền sở hữu của dân chúng, và dân chúng có quyền được xem nội dung các tài liệu của chính phủ. Luật này đã thay đổi quan niệm vốn có trước đó rằng các tài liệu này sẽ được giữ kín và chỉ những công dân chứng minh được lý do cần thiết thì mới được xem những tài liệu này, sang một quy ước mới cho phép dân chúng tự do tiếp cận tài liệu của chính phủ trừ khi nhà nước có lý do chính đáng để không tiết lộ thông tin (ví dụ như vì lý do an ninh quốc gia hay bảo mật thông tin cá nhân). Quan trọng hơn, luật này đã tạo ra nền tảng cho những cải cách liên tiếp sau đó: các công dân có quyền biết về chính phủ của họ và về những gì mà chính phủ đang làm.


Một cuộc họp của Chính phủ Mỹ với sự theo dõi, đưa tin của báo giới

Một luật đi kèm khác, Luật Thông tin cá nhân năm 1974, cũng đã quy định công dân có quyền biết thông tin mà Chính phủ đã thu thập về họ. Ví dụ, Cơ quan Điều tra Liên bang đã cất giữ một số hồ sơ cá nhân. Dư luận chỉ trích rằng cơ quan này đã vi phạm quyền tự do cá nhân khi thu thập thông tin cho những hồ sơ này, rằng các thông tin nói trên có thể không đúng và Chính phủ có thể sử dụng thông tin này chống lại các cá nhân trong khi họ không biết về những thông tin mà cơ quan này đã thu thập.

Theo Luật Thông tin cá nhân, các công dân được phép có bản sao những hồ sơ cá nhân mà Chính phủ đã thu thập về họ, thậm chí nếu cần thiết, họ có thể không thừa nhận tính xác thực của thông tin trong các hồ sơ này. Đạo luật này cũng hạn chế cơ hội phổ biến thông tin cá nhân của Chính phủ. Luật Tự do Thông tin và Luật Thông tin Cá nhân đã không chỉ tạo ra nền tảng luật pháp về minh bạch chính sách của chính phủ mà còn đòi hỏi các cơ quan Chính phủ phải đưa ra các hướng dẫn rõ ràng để thực thi luật, và chính điều này lại làm cho bản thân chính sách về sự minh bạch trở nên minh bạch hơn.

Phiên họp của Chính phủ phải công khai và báo trước

Năm 1976, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Ánh dương. Với rất ít ngoại lệ, chủ yếu liên quan đến an ninh quốc gia và bảo mật thông tin cá nhân, Luật này quy định rằng các cuộc họp của Chính phủ phải được công khai trước dân chúng. Các cơ quan công quyền cần phải thông báo trước về các cuộc họp sắp diễn ra và chương trình nghị sự của mình, đồng thời phải công khai trước dân chúng kết quả của những cuộc họp này. Thêm vào đó, đạo luật này cũng định nghĩa rõ ràng “cuộc họp” nhằm ngăn chặn các nhóm quan chức chính phủ tụ họp để đưa ra các quyết định, nhưng lại nói rằng đó là cuộc họp không chính thức.

Cơ quan Chính phủ phải được thanh tra và kiểm toán độc lập

Hai năm sau, Quốc hội thông qua thêm một đạo luật nữa: Luật Tổng thanh tra, quy định rằng các quan chức cấp cao tại tất cả các cơ quan liên bang phải tiến hành thanh tra và kiểm toán độc lập. Các tổng thanh tra này có toàn quyền kiểm tra hoạt động, ngân sách và đội ngũ viên chức của các cơ quan liên bang. Chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter đã ủng hộ đạo luật này. Khi Ronald Reagan kế nhiệm ông, vị Tổng thống mới đã bãi nhiệm toàn bộ 16 viên tổng thanh tra, dẫn tới một mối lo ngại rộng khắp rằng Tổng thống không thể kiểm soát được những hành vi lãng phí của chính phủ. Ronald Reagan đã trả lời bằng cách tái bổ nhiệm 5 tổng thanh tra và bổ nhiệm 11 tổng thanh tra mới; đồng thời tuyên bố rằng mỗi người trong số họ hãy “tinh anh hơn một con chó săn”. Các tổng thanh tra thường đưa ra các báo cáo đối với những vụ việc lớn, từ việc quản lý tồi của chính quyền liên bang đến các trở ngại trong quản lý hợp đồng. Các báo cáo của họ thường gây ra những xung đột chính trị sâu sắc và mặc dù nhiều lần vai trò của họ đã có nguy cơ bị giảm sút, nhưng họ vẫn là một phần quan trọng trong chính sách minh bạch của chính phủ liên bang.

Đây là những sáng kiến của Chính phủ liên bang, các quy định của những đạo luật này chỉ áp dụng cho các cơ quan liên bang. Tuy nhiên, phần lớn các bang trên khắp nước Mỹ cũng đều đã thông qua các đạo luật tương tự (nói chung, luật pháp của các bang thường được áp dụng cho hoạt động của các chính quyền thành phố và thị trấn ở địa phương).

 Tờ Federal Register - thông tin về chính sách của nhà nước


Qua tờ Federal Register, một tờ báo xuất bản hằng ngày trừ các ngày lễ, người Mỹ có thể đọc về các quy định và luật lệ mà các cơ quan liên bang đang đề xuất trước khi chúng được thông qua. Các cơ quan liên bang phải thông báo những vấn đề lớn về chính sách trên tờ Federal Register, và theo luật, bất cứ ai cũng có thể góp ý về những đề xuất thay đổi chính sách đó. Ý kiến đóng góp thường được viết thành văn bản, những cũng có cơ hội để người dân được bày tỏ quan điểm bằng email hoặc bày tỏ trực tiếp trong các buổi điều trần trước công chúng.

Mỗi thông báo của tờ Federal Register đều có chỉ dẫn cụ thể cho các công dân cách đóng góp ý kiến trong vòng tối đa là 30 ngày cho đến 90 ngày. Những đóng góp mang tính gợi ý hay phê phán đều được tiếp thu. Khi những quy định cuối cùng được đăng trên tờ Federal Register, các cơ quan phải trả lời những ý kiến đóng góp của công chúng và nêu rõ những thay đổi theo những đóng góp đó. Ngoài việc đóng góp ý kiến cho một quy định hiện hành, các cá nhân hay tổ chức có thể nêu kiến nghị ủng hộ những chính sách mới mà các cơ quan liên bang nên theo.

Nhiều cá nhân và tổ chức có quan tâm vẫn đọc qua tờ Federal Register hằng ngày để tìm những vấn đề quan tâm. Báo này có thể tìm thấy trong các thư viện công, các trường đại học và trên internet tại địa chỉ www.access.gpo.gov

Quỳnh Vũ