Tản mạn

Quyền đòi hỏi và quyền từ chối

- Thứ Năm, 27/02/2020, 07:51 - Chia sẻ
Con người văn minh là người biết về quyền và nghĩa vụ của mình để hợp tác với nhà chức trách địa phương.

Chuyện khách Hàn Quốc đòi thực hiện cách ly trong khách sạn 4 sao chứ không chịu vào khu cách ly là phản ứng rất bình thường của người ngoại quốc khi được yêu cầu cách ly ở nước ngoài. Vậy nên ta không nên đem việc “200.000 người Việt ở Hàn Quốc có ai đòi ở khách sạn đâu’’ ra để so sánh. 

Hai việc đó vốn không liên quan gì đến nhau vì người Việt Nam ở Hàn Quốc không phải là đối tượng bị cách ly và thứ hai là họ có lựa chọn là trở về Việt Nam hoặc yêu cầu được sơ tán. 

Hãy thử nghĩ nếu người Việt Nam được yêu cầu cách ly ở nước ngoài? Chúng ta cũng phải có yêu sách. Bởi vì sao? Bởi vì điều đó không nằm trong kế hoạch của bạn, bạn bị động, bạn cần hỗ trợ nhiều hơn người bản địa, bạn không nói được tiếng bản địa, thiếu chỉ dẫn và hơn hết bạn đang đứng chân trên một quốc gia khác... Đó không phải là “cầu kỳ’’ hay “đòi hỏi vô cớ’’ mà nó là “quyền’’ của bạn. Tất nhiên nhà chức trách bản địa cũng có quyền từ chối những đòi hỏi của bạn, thì đó là việc của họ. Khi ở nước ngoài, điều quan trọng là bạn phải để người ta nhận ra rằng bạn là đối tượng cần được hỗ trợ cao. Bởi vì nếu bạn không thể hiện ra thì có thể nhà chức trách không biết đến tình huống của bạn. 

Sự cách ly là cần diễn ra nhưng nó không biến bạn thành tội phạm để mà bị tước đoạt quyền công dân. Bạn luôn được phép yêu cầu hỗ trợ thêm. Nhỡ bạn bị bệnh tim hay thậm chí có người đang nhiễm một bệnh truyền nhiễm khác thì người đó cũng phải thông báo với nhà chức trách để được bảo đảm an toàn cách ly thêm một lần nữa nếu cần thiết.

Con người văn minh là người biết về quyền và nghĩa vụ của mình để hợp tác với nhà chức trách địa phương. Nếu người Việt Nam bị yêu cầu cách ly ở nước ngoài, hãy nhớ rằng bạn được quyền đòi hỏi, được quyền nhận trợ giúp, được quyền liên lạc với Đại sứ quán hoặc cơ quan chuyên trách, bởi vì bạn có thể sẽ không nhận được đầy đủ trợ giúp như khi đang ở Việt Nam. Và phải lưu ý rằng trong nhiều trường hợp, chẳng có chính quyền nào phải thanh toán chi phí cho bạn cả mà có thể đó là trách nhiệm của bảo hiểm du lịch mà bạn đã mua.

Người nước ngoài đòi hỏi, mình tôn trọng cái quyền ấy. Nhưng có chấp nhận hay không lại là quyền quyết định của Nhà nước mình. Thế thì cũng đừng mỉa mai người ta bởi vì có thể một ngày nọ chúng ta ra nước ngoài cũng sẽ rơi vào tình huống tương tự. Không ai nói trước được điều gì.

Lê Quang