Pháp luật các nước về hạn chế quyền con người để bảo đảm trật tự công cộng

Quyền con người trong hoàn cảnh bất thường

- Chủ Nhật, 05/04/2020, 07:42 - Chia sẻ
Chưa bao giờ trên toàn thế giới, các nước từ những thể chế được coi là dân chủ nhất cũng phải áp dụng các biện pháp gắt gao hạn chế quyền con người như hiện nay. Đó là bởi thế giới đang ở trong một cuộc khủng hoảng toàn diện - đại dịch Covid-19.

Từ hạn chế đi lại…

Giai đoạn đầu, khi dịch còn chưa diễn biến phức tạp và lan rộng như hiện nay, rất nhiều nước đã phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại đối với người dân, hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa biên giới đối với các quốc gia có dịch hoặc đóng cửa toàn bộ biên giới. Đây là những biện pháp ảnh hưởng đến quyền tự do di chuyển của người dân nhưng cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay.

Đất nước Panama từ hôm 1.4 đã bắt đầu lệnh giới nghiêm đặc biệt kéo dài 15 ngày. Trước đó, nước này áp dụng hạn chế đi lại của người dân theo giới tính. Theo đó, phụ nữ được phép ra khỏi nhà, đi mua thức ăn và nhu yếu phẩm vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Đàn ông được phép ra ngoài các ngày lẻ thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Riêng ngày chủ nhật, tất cả phải ở yên trong nhà, chỉ được ra ngoài khi đi mua thức ăn hoặc có khi việc khẩn cấp. Tuần trước, Panama đã xử phạt hơn 2.000 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, chính quyền một địa phương ở Colombia lại áp dụng cho phép người dân được ra ngoài dựa theo số ghi trên thẻ căn cước cá nhân của mỗi người. Ví dụ như người dân ở Barrancabermeji với số thẻ căn cước có chữ số cuối cùng là 0, 7 hoặc 4 sẽ được phép ra khỏi nhà vào thứ hai, còn những người có số cuối là 1, 8 hoặc 5 thì được đi ra vào thứ ba.


Nhiều nước trên thế giới trong đó có các nước Nam Âu, Việt Nam có quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng
Nguồn: Reuters

… đến phong tỏa hoàn toàn

Tính đến ngày 26.3, hơn 3 tỷ người trên thế giới đang sống trong các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Trung Quốc là nước đầu tiên phải áp dụng biện pháp mạnh tay này khi Vũ Hán trở thành điểm bùng phát dịch từ cuối năm 2019. Cho đến giữa tháng 1, nước này đã áp đặt phong tỏa đối với 18 thành phố, trên tổng 56 triệu người.

Ngay sau Trung Quốc và nhiều nước châu Á, châu Âu trở thành tâm dịch và lục địa già đã phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có. Ngày 9.3, chỉ trong vòng 24 tiếng, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã phải mở rộng các biện pháp phong tỏa ở miền Bắc ra phạm vi toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà và cấm mọi hoạt động tụ tập nơi công cộng cùng với tất cả trận đấu trong khuôn khổ Giải Vô địch quốc gia Serie A. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ ở Italy và cả châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Trong lịch sử hiện đại, chưa có nền dân chủ nào ở châu Âu trong thời bình phải tiến hành các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập đông người một cách toàn diện như vậy, kể cả trong nhiều biến cố nghiêm trọng như khủng hoảng giá dầu hay khủng bố, theo Wall Street Journal.

Dù vậy, cuộc khủng hoảng đã không dừng lại ở quốc gia Nam Âu. Chỉ vài ngày sau, nhiều quốc gia trong khu vực đồng loạt siết chặt những biện pháp hạn chế cứng rắn trong nỗ lực kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh đang bùng phát.

Tây Ban Nha là quốc gia thứ hai ở châu Âu sử dụng đến biện pháp phong tỏa và các lệnh giới hạn đi lại trên toàn quốc nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Số ca nhiễm tăng vọt với hơn 1.200 bệnh nhân mới trong ngày 12.3, buộc chính quyền nước này tiến hành các biện pháp phong tỏa ngay trong đêm, bắt đầu từ 4 địa phương phía Bắc Barcelona, thủ phủ vùng Catalonia trù phú, và đến sáng hôm sau là phong tỏa cả Thủ đô Madrid.

Đất nước trên bán đảo Iberia của châu Âu ngày 14.3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong vòng 15 ngày. Mọi cửa hàng không kinh doanh hàng hóa thiết yếu cùng các địa điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán bar, quán cà phê, rạp chiếu phim và sân bóng đá phải dừng hoạt động. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ được ra ngoài vì công việc, mua thực phẩm, thuốc men, đến ngân hàng hoặc bệnh viện.

Thủ tướng Pedro Sanchez phải dùng đến quyền lực khẩn cấp để huy động các nguồn lực an ninh và y tế quốc gia. Sau cuộc đại đình công ngành hàng không năm 2000, đây là lần thứ hai quyền lực khẩn cấp được dùng đến ở Tây Ban Nha kể từ sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco vào năm 1975.

Sau Italy và Tây Ban Nha, kể từ trưa 17.3, đến lượt Pháp tiến hành phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần, hạn chế tối đa các di chuyển và người dân được khẩn thiết kêu gọi “ở nhà”. Đến ngày 27.3, khi nước Pháp chuẩn bị hết thời gian phong tỏa toàn quốc, Chính phủ nước này quyết định kéo dài thời gian phong tỏa thêm ít nhất 2 tuần nữa, đến ngày 15.4 và có thể gia hạn thêm tùy vào tình hình diễn biến của dịch bệnh. Theo số liệu được Bộ Nội vụ Pháp công bố vào cuối tháng 3, cảnh sát Pháp đã tiến hành tổng cộng 3,7 triệu cuộc kiểm soát việc đi lại của người dân, xử phạt 225.000 trường hợp vi phạm.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng đã áp dụng biện pháp chưa từng có trong lịch sử nước này khi tiến hành phong tỏa toàn bộ hơn 1,3 tỷ dân, bắt đầu từ đêm 24.3, kéo dài 21 ngày. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Modi tuyên bố: Để cứu lấy Ấn Độ và mọi công dân, cứu lấy các bạn và gia đình, tất cả con đường cũng như khu dân cư sẽ được đặt trong vòng phong tỏa. Ông nhấn mạnh: Ấn Độ có thể phải trả giá đắt do sự bất cẩn của một số người. Nếu chúng ta không xử lý tốt vấn đề trong 21 ngày này, đất nước, gia đình các bạn sẽ tụt hậu 21 năm.

Australia là một trong những nước mới nhất áp đặt lệnh phong tỏa. Bắt đầu từ ngày 31.3, người dân nước này chỉ được phép ra khỏi nhà trong 4 trường hợp: Đi mua sắm đồ thiết yếu, khám bệnh, tập thể dục, đi học hoặc đi làm, đồng thời vẫn phải thực hiện tốt các quy định giãn cách xã hội. Cảnh sát có thể kiểm tra bất ngờ mục đích ra ngoài của người dân và nếu không chứng minh được việc ra khỏi nhà của mình là cần thiết, sẽ bị phạt hành chính ngay lập tức, thấp nhất là 1.000 AUD, cao nhất là hơn 1.600 AUD, cá nhân vi phạm nghiêm trọng sẽ phải chịu hình phạt cao nhất là 6 tháng tù giam. Các cuộc tụ tập nơi công cộng hoặc tại nhà có trên 2 người cũng sẽ bị xử phạt, song quy định này không áp dụng đối với các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nếu gia đình có 2 người thì sẽ không được phép tiếp khách. Bên cạnh các biện pháp về hành chính, Australia tiếp tục duy trì đóng cửa biên giới với các vùng lân cận, người dân đến hoặc trở về từ các bang đều phải thực hiện quy định tự cách ly 14 ngày.

Quỳnh Vũ