Pháp luật các nước về hạn chế quyền con người để bảo đảm trật tự công cộng

Quyền con người không tuyệt đối

- Chủ Nhật, 05/04/2020, 07:41 - Chia sẻ
Quyền con người, trong đó có quyền tự do đi lại, tự do hội họp… là một trong những quyền hiến định được thừa nhận ở hầu hết pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, quyền này có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định vì các lý do chính đáng, theo một trình tự thủ tục chặt chẽ. Một trong những lý do hạn chế quyền phổ biến trong pháp luật của các quốc gia là bảo vệ trật tự công cộng.

Ghi nhận các nguyên tắc hạn chế quyền con người

Trong các xã hội dân chủ, cơ sở tự do dựa trên ý tưởng rằng không quyền nào có thể được coi là tuyệt đối. Đòi hỏi của đời sống xã hội và đặc biệt là những yêu cầu về trật tự công cộng, dẫn đến những hạn chế về việc thực hiện các quyền cơ bản là cần thiết cho việc bảo vệ trật tự chung - vốn là bảo đảm cho các quyền này. Hiến pháp có chức năng để giới hạn quyền lực nhà nước và ràng buộc trách nhiệm nhà nước. Nhưng đồng thời, hiến pháp cũng có các quy định về quyền con người và hạn chế quyền con người. Việc hiến pháp ghi nhận các quy định về hạn chế quyền con người không phải là tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước hạn chế quyền con người mà để nhằm kiểm soát các hành vi tuỳ tiện của các cơ quan nhà nước trong hạn chế quyền con người.


Hình phạt của cảnh sát Ấn Độ dành cho những người vi phạm lệnh phong toả là phải đeo mặt nạ virus và đeo biển có dòng chữ “Đừng ra ngoài, đừng đến gần Corona

Luật Nhân quyền quốc tế thừa nhận, quyền con người không phải là một khái niệm tuyệt đối và trong một số trường hợp cần phải được hạn chế nhằm bảo đảm trật tự xã hội. Việc ghi nhận các nguyên tắc hạn chế quyền con người trong hiến pháp chính là để bảo đảm việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Tuy nhiên, không phải Hiến pháp của mọi quốc gia đều quy định trực tiếp về giới hạn quyền và các nguyên tắc giới hạn quyền.

Mối quan hệ giữa trật tự công cộng và quyền cơ bản của con người

Trong số các lý do để hạn chế quyền cơ bản, thì “đòi hỏi bảo vệ trật tự công cộng” (public order) là một trong những căn cứ phổ biến. Giới hạn quyền với mục đích bảo đảm trật tự công cộng được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người. Khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 (UDHR) quy định: “Mỗi người trong khi thực hiện các quyền và tự do cho cá nhân chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và sự tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ”.

Trong pháp luật của nhiều quốc gia, trật tự công cộng thường được quan niệm gần gũi với các khái niệm “an ninh quốc gia” và “phòng chống tội phạm”. Ngoài ra, khái niệm trật tự công cộng không chỉ được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, mà nó được diễn giải rất đa dạng trong các phán quyết của toà án liên quan đến các tranh chấp giữa người dân và công quyền.

Ở nghĩa đơn giản và dễ hiểu nhất, “tự do là quyền năng tự định đoạt, căn cứ vào đó con người tự mình chọn cách hành xử”. Còn trật tự công cộng được hiểu là “trạng thái xã hội của một quốc gia cụ thể, tại một thời điểm cụ thể có được hòa bình, yên tĩnh và an ninh công cộng không bị xáo trộn”.

Dưới góc độ nội dung, trật tự công cộng có quan hệ với khái niệm “lợi ích công cộng” - vốn là mục đích của mọi hoạt động công quyền. Ngay từ đầu thế kỷ XX ở Pháp, việc hạn chế quyền, tự do cơ bản của con người vì lý do trật tự công cộng đã được đặt ra. Tham chính viện - cơ quan xét xử hành chính tối cao của Pháp đề ra nguyên tắc: Các hạn chế đối với tự do do chính quyền đưa ra chỉ hợp pháp khi việc duy trì trật tự công cộng đòi hỏi. Trong pháp luật của Liên minh châu Âu, Công ước châu Âu về quyền con người cho phép các quốc gia giới hạn các quyền cơ bản vì lý do trật tự công cộng.

Tuy nhiên, trong nhà nước pháp quyền thì mối quan hệ giữa yêu cầu về trật tự công cộng và các quyền cơ bản thường được xem như là mối quan hệ giữa “uy quyền” và “tự do”, trong đó uy quyền là ngoại lệ và tự do là nguyên tắc.

Có học giả đưa ra lý thuyết “giới hạn của giới hạn” phát triển từ lý thuyết của người Đức về các quyền cơ bản. Theo lý thuyết này, giới hạn của giới hạn đặt ra những ranh giới đối với nhà làm luật. Tức là các giới hạn có tính hiến định mà nhà làm luật buộc phải tuân thủ khi xác định các chế ước, hạn chế của quyền và tự do cơ bản. Cách mạng tư sản Pháp đề ra nguyên tắc: Mọi người có quyền sống, hành động và tự do thực hiện các quyền của mình (Điều 1 Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789). Tuy nhiên, lý tưởng tự do này không thể thực hiện một cách không giới hạn vì nó có thể ảnh hưởng, xâm hại tới quyền và tự do của người khác. Để ngăn chặn việc thực thi quyền của người này gây ảnh hưởng, đe dọa quyền và tự do của người khác và của trật tự xã hội nói chung, Nhà nước phải chịu trách nhiệm duy trì một trật tự để bảo đảm cho tự do của các thành viên trong xã hội. Ở nghĩa này, trật tự xã hội được hiểu là “trạng thái cân bằng, nơi các quyền và tự do cơ bản được thực hiện một cách tốt nhất”. Trật tự xã hội thể hiện các yêu cầu, đòi hỏi cơ bản của một xã hội, yêu cầu này có tính bền vững và thường xuyên. Hơn nữa, các quyền, tự do cơ bản của con người chỉ có thể được thực hiện trong khuôn khổ của một quốc gia mà công quyền bảo đảm được trật tự công cộng.

TS.Nguyễn Văn Quân
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội