Quyện chặt giá trị nhân văn

- Thứ Hai, 15/04/2019, 09:51 - Chia sẻ
Người Việt Nam có thể quên hết mọi ngày, nhưng ngày giỗ Tổ người không quên gốc. Chiêm bái vong linh và hàm ơn công đức tiền bối, để gắn với nguyện vọng an khang cuộc sống thường ngày, để dẫn đến tâm thức bảo vệ và phát huy thanh danh gia đình, dòng họ, làng nước. Sự tinh tế của tâm hồn, tín ngưỡng vì vậy mà quyện chặt các giá trị nhân văn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa:

Giáo dục ý thức tự hào dân tộc

Việc UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012 - PV) cho thấy, thế giới ghi nhận và đánh giá cao nghi lễ thờ cúng tổ tiên của Việt Nam, đặc biệt là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Bởi từ lòng tôn kính các bậc tiên tổ sẽ nâng lên lòng tự hào dân tộc và tăng cường sự gắn kết cộng đồng.

Thực tế, tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10.3 ÂL hàng năm đã chứng minh đất nước Việt Nam là một thể thống nhất, có tổ tông, có lịch sử. Ngày này cũng không chỉ để thờ cúng các Vua Hùng, mà còn nhắc nhở mỗi người nhớ về gia tiên tiền tổ, dòng tộc, từ đó giáo dục thế hệ trẻ ý thức tự hào về cội nguồn để sống có trách nhiệm hơn. Theo tôi, đây là điều quan trọng nhất trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Đã mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, ai cũng chung hơi thở, nhịp đập hướng về cội nguồn, tổ tiên. Vì thế, việc cộng đồng người Việt ở một số nước mấy năm nay tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại nơi họ đang sinh sống rất đáng trân trọng. Nó không chỉ giúp họ thỏa mãn tâm nguyện được gắn kết với Quốc Tổ, với quê hương; tập hợp, đoàn kết những người con đất Việt xa xứ; mà qua đó còn quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Ng.Anh ghi

Vui là chin, tâm là mười

Trong một khảo cứu về hội Đền Hùng hàng chục năm trước của nhà nghiên cứu Toan Ánh có miêu tả chuyến tàu chở đoàn người ngừng ở ga Kiên Cương, nơi đó có con đường đi thẳng vào thôn Cổ Tích, tới đền Hùng. Đại ý, đoàn người đổ xuống như thác, người nọ trước, người kia sau. Các ông già, bà lão thường dắt díu theo các cô gái quê còn e lệ, thẹn thùng giữa đám khách thập phương, các cô mới đi lễ Tổ lần đầu. Các bà đứng tuổi gọn gàng, vai vác đầy vàng hương đồ lễ, nhanh nhẹn bước bên các cụ già thủng thỉnh. Khách thập phương nhộn nhịp kẻ ra người vào, có người vừa đi vừa lâm râm cầu khấn, muốn xin Tổ phù hộ độ trì cho. Họ đi tới đền với một lòng thành kính...

Và nay, Lễ hội đền Hùng khi đất nước đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, sự tái hợp ở vùng đất Tổ dường như vẫn đầy ắp lòng thành. Cung kính nơi làn khói trầm lan tỏa, trang nghiêm nơi đôi tay chắp vái, chân phương như từng thớ chỉ đường thêu trên lá cờ hội đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh.

Trong không gian trầm mặc của đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, ông Phan Văn Cư, xã Chu Hóa, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, bồi hồi nhớ lại những ngày còn bé, theo bố mẹ đi hội đền Hùng. Có miếng bánh sắn đùm đi để ăn trưa, leo đến lưng núi đã đói mềm người, mẹ thương đưa cho ngồi ăn lấy sức lại đi tiếp. Bấy giờ đời sống khó khăn, thiếu thốn nhưng hội Đền Hùng không thể bỏ, truyền thuyết các vua Hùng từ thời cụ, kỵ truyền lại, đến đời bố mẹ rồi đời cháu con, cứ ngày này không hẹn mà gặp.

Chân núi Nghĩa Lĩnh, lên đền Hạ, đền Trung rồi đền Thượng, qua lăng Tổ, vòng xuống đền Giếng... đến đâu người lớn chỉ dạy đến ấy. Rằng thềm đá này, rằng lư hương kia, rằng 18 bài vị kia đều là lời răn dạy về thuở khai hoang lập nước, đều là những bài học sâu sắc về bảo vệ bờ cõi giang sơn, dân tộc. Và ở đó ẩn chứa tấm lòng tri ân tiền nhân, để người đời biết hướng về nguồn cội.

Ông Cư trầm ngâm: “Bây giờ đến lượt tôi, 70 tuổi đời, lại đưa con, đưa cháu đi hội đền Hùng, cả nhà đi hội, thành cái nếp không bỏ được. Là vì ngày giỗ tổ tiên, vui là chín, tâm là mười”.

Bản sắc của một dân tộc

Đã thành nếp thì không bỏ được, nên ngày Giỗ tổ Hùng Vương bao nhiêu đời nay đã trở thành ngày nhắc nhớ. Nhớ tới Tổ không phải để nhớ tới những điều hoang đường của thời tiền sử mà để kiêu hãnh rằng dân tộc Việt Nam có Tổ. Có Tổ nghĩa là có một lịch sử từ mấy nghìn năm nay, ấy là nền tảng sâu gốc bền rễ của một dân tộc, là phên giậu để xây dựng xã hội văn minh. Dân tộc Việt Nam trải qua bao hưng vong biến chuyển, sở dĩ vẫn vững bền tồn tại, một phần là vì người Việt Nam uống nước biết nhớ nguồn. Người Việt Nam có thể quên hết mọi ngày, nhưng ngày giỗ Tổ người không quên gốc. Dù ở xa xôi, người ta vẫn hướng về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, hướng tới Tổ chung.

“Từ miền Nam, đoàn chúng tôi 57 người về đền Hùng, để tinh thần được trở về cội nguồn, hiểu thêm về văn hóa, lịch sử thời Vua Hùng dựng nước, từ đó thêm hiểu biết, phấn đấu xây dựng đất nước”, ông Nguyễn Thanh Tánh, TP Tuy Hòa, Phú Yên chia sẻ. Lời nói văn hoa chưa đủ đong được niềm xúc động, tấm lòng khi đặt dấu chân lên vùng đất Tổ. Ông Tánh cho biết, đã hành hương về đây nhiều lần, nhưng mỗi phút giây dâng hương cúng bái đều hệt như cảm giác đầu tiên. Đó là cảm thức về công sức lao động của bao thế hệ người Việt trong quá trình dựng nước, cảm thức về tinh thần của ông cha đã khai thiên lập địa. Hiểu vậy mà thêm tự hào, khắc ghi công ơn, mà thêm khát vọng cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.

Có nhà nghiên cứu từng nói, văn hóa dân gian trong đó bao gồm các lễ hội truyền thống, các công trình văn hóa cổ… làm nên toàn bộ nền văn hóa dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng biểu trưng của truyền thống hàng ngàn năm văn hiến, vẫn trường tồn cùng lịch sử, là vũ khí đấu tranh độc đáo, chống lại sự đồng hóa của các thế lực xâm lược, và phát huy bản sắc riêng trong đời sống ngày nay. Không phải tự dưng, trong những năm tháng kháng chiến khốc liệt của thế kỷ trước, các làng quanh chân núi Nghĩa Lĩnh không bỏ tục thờ cúng Vua Hùng. Khi đất nước hòa bình, tục ấy càng nối truyền, lan rộng. Giờ đây, về đất Phú Thọ vào đúng dịp Giỗ Tổ sẽ thấy, nhà nào cũng làm mâm cơm dâng lên ban thờ. Vì thờ cúng các Vua Hùng trong mỗi gia đình đã gắn chặt với nếp thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Bản sắc dân tộc là gì? Trả lời câu hỏi ấy, thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Bản sắc văn hóa dân tộc có thể cảm nhận được, nhưng nói ra cho đầy đủ thì rất khó”. Thờ cúng Hùng Vương, cả nước có ngày Quốc giỗ mùng 10 tháng Ba chính là một bản sắc mà mỗi người, mỗi nhà đều có thể cảm nhận được, dù khó nói ra cho đầy đủ. Vì thuở đói nghèo, một chiếc bánh sắn cũng đủ ấm lòng để những đứa trẻ cùng bố mẹ vượt qua cung đường xa xôi, qua hàng trăm bậc đá để thắp nén nhang lên vị Tổ. Vì thời đại phát triển, từng dòng người lại nô nức cùng con cháu, bạn bè tụ hội nơi đất Tổ. Chính bởi không có “hố ngăn cách các thế hệ” như vậy, truyền thống văn hóa Việt đã thể hiện rõ giá trị tiềm ẩn, khát vọng tiếp nối hiện tại với quá khứ, tương lai để phát triển đất nước, con người bền vững.

H. Sen - L. Thủy - L. Thư