Quyền, lợi ích của người lao động phải tốt hơn

- Chủ Nhật, 12/05/2019, 08:31 - Chia sẻ
Góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng là một nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri là cán bộ công đoàn, chủ doanh nghiệp và người lao động tỉnh Quảng Ninh tại buổi TXCT chuyên đề do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức. Gửi gắm rất nhiều kỳ vọng, cử tri mong muốn những nội dung sửa đổi sẽ được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, được tham vấn rộng rãi, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, tránh việc vừa ban hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Nhiều vấn đề cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng

Thực tế cho thấy, sau 5 năm thi hành, Bộ luật Lao động hiện hành đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, nhất là các quy định về: Hợp đồng lao động, tiền lương, làm thêm giờ, tăng tuổi nghỉ hưu, quản lý, đào tạo lao động và an toàn lao động… nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt và chặt chẽ hơn, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Tại buổi tiếp xúc, cán bộ công đoàn các cấp, chủ doanh nghiệp và công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung liên quan các vấn đề được ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến. Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Công ty than Hòn Gai Phạm Văn Bình, đặc thù của công nhân mỏ là làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nên thời gian làm việc không thể so sánh với các ngành nghề khác. Dẫn hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu được Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Chính phủ mới đây nhất, (Phương án 1: Đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi), ông Bình cho rằng: Nếu thông qua 1 trong hai phương án, QH cần giao cho Chính phủ có quy định chi tiết đối với nhóm đối tượng người lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để sát với thực tiễn.

Đối với quy định Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh Đặng Văn Chính nhận định, nếu chỉ giải thích đơn thuần là để tăng thu nhập cho người lao động thì hoàn toàn không hợp lý. Bởi muốn tăng thu nhập cho người lao động thì có rất nhiều phương án, chẳng hạn như: Tăng lương cho người lao động hoặc thúc đẩy năng suất lao động… “Rất có thể mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa sẽ được các chủ DN đón nhận nhiều hơn là người lao động”, ông Chính đưa ra cảnh báo. Đồng thời, đề nghị, cần phải quy định rất chặt chẽ vấn đề này, hạn chế tối đa tình trạng chủ sử dụng lao động lợi dụng kẽ hở để trục lợi. Bởi, chi phí làm thêm giờ rẻ hơn rất nhiều so với tuyển dụng thêm lao động.

Cử tri phát biểu ý kiến tại Hội nghị   Ảnh: Tuấn Nguyên

Bám sát thực tiễn và tham vấn rộng rãi

Theo Phó Chủ tịch Thường trực  LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Ninh Hường, việc thực thi Bộ luật Lao động có tác động trực tiếp, thường xuyên đến tổ chức việc làm, đời sống của người lao động và hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong lần sửa Luật này, điều đoàn viên công đoàn, người lao động kỳ vọng nhất làm sao có thể giải quyết được những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn mà chưa được điều chỉnh trong Luật hoặc đã được điều chỉnh song chưa triệt để. Bên cạnh đó, phải tạo được sự thống nhất giữa Bộ Luật sửa đổi với hệ thống pháp luật hiện hành. Hơn nữa, vừa đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế nhưng cũng bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cũng thông tin, trên cơ sở các vấn đề được Ban soạn thảo đưa ra xin ý kiến, LĐLĐ tỉnh đã tổng hợp được 6 nhóm nội dung cần hết sức cân nhắc kỹ càng. Chẳng hạn như tuổi nghỉ hưu, phải đưa ra được đánh giá thực tế lấy ý kiến của công nhân lao động. “Trong trường hợp Luật quy định tuổi hưu theo hướng tăng thêm thì cũng nên tính toán đến việc xây dựng một danh mục nghề nghiệp đặc thù được rút ngắn tuổi nghỉ hưu”, bà Hường gợi mở.

Hay như những bất cập trong cơ chế đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hiện cũng là vấn đề hết sức đáng lưu tâm. Bởi thực tế, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vi phạm Luật Lao động thì quy vào đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định, không được nhận trợ cấp thất nghiệp và bồi thường các chế độ lao động khác. Trong khi đó, người lao động tự ý bỏ việc hoặc bị sa thải theo Điều 126 của Bộ luật Lao động thì lại quy vào diện tự chủ động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, không phải báo trước và không phải bồi thường, vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Nếu như nội dung này không được điều chỉnh sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác quản lý lao động. Hơn nữa, kỷ cương, kỷ luật lao động cũng sẽ không được bảo đảm”, bà Hường nhận định. 

Cũng theo bà Hường, trước đây khi chưa có Luật Bảo hiểm thất nghiệp thì trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, khi Luật Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thì hai trường hợp trên lại được quy đồng làm một (được hưởng như trợ cấp thôi việc) gây thiệt thòi cho người lao động. Vấn đề này, cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp”, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Đỗ Thị Ninh Hường đề nghị.

Sửa đổi Bộ luật Lao động là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, chính vì vậy, việc đưa ra xin ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các đối tượng chịu ảnh hưởng vô cùng cần thiết. Với tinh thần đó, ngay sau hội nghị này, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục lấy ý kiến của cán bộ đoàn viên công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động. Mục tiêu hướng đến cao nhất là để xây dựng, hoàn thiện Bộ Luật thật sự chặt chẽ và thấu đáo; phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế tránh việc vừa ban hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

TUẤN NGUYÊN