Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND

Quy trình phải chặt chẽ, thống nhất

- Thứ Sáu, 14/02/2020, 08:04 - Chia sẻ
Để hoạt động giám sát của đại biểu HĐND đạt hiệu quả cao, bên cạnh hoàn thiện các chế định về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, quy định rõ vai trò, trách nhiệm, thủ tục, thẩm quyền của đại biểu trong giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát thông qua việc xây dựng một quy trình giám sát chặt chẽ, thống nhất.

Chưa cụ thể khung pháp lý triển khai hoạt động giám sát

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, đại biểu HĐND thực hiện qua nhiều kênh liên hệ, trong đó hoạt động giám sát là một trong những kênh liên hệ quan trọng, thể hiện được vị trí, vai trò của đại biểu dân cử trong thực hiện chức năng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình thường xuyên quan tâm tới hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, chương trình giám sát được ban hành đúng quy định, các hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND được quan tâm, chú trọng; nội dung chuyên đề giám sát, chất lượng các câu hỏi chất vấn, phiên chất vấn ngày một nâng cao và đi vào thực chất; hoạt động giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; xem xét các quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND cấp huyện được thường xuyên thực hiện.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hòa Bình khảo sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, quản lý vật liệu nổ trên địa bàn

Qua giám sát của đại biểu HĐND tỉnh, đặc biệt là đại biểu chuyên trách đã phát hiện một số vấn đề bức xúc do Nhân dân, cử tri phản ánh, kịp thời kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý dứt điểm các vấn đề “nóng”, nổi cộm tại các địa phương, đơn vị; góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giữ vững an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương còn lúng túng về quy trình thực hiện, nội dung các chuyên đề giám sát chưa sâu; hoạt động chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh còn ít, chất lượng một số phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh chưa đạt hiệu quả cao do chưa có sự tranh luận, trao đổi vấn đề đến cùng giữa đại biểu và người được chất vấn; hoạt động giám  sát của đại biểu kiêm nhiệm (lãnh đạo các ngành, địa phương, đại biểu cơ sở) chưa được chú trọng tổ chức thực hiện. Thực tế này do nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất đó chính là khung pháp lý để triển khai hoạt động giám sát của đại biểu HĐND chưa cụ thể; phần lớn đại biểu hoạt động kiêm nhiệm; tính chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giám sát của một số đại biểu chưa cao; thời gian nghiên cứu tài liệu và nắm bắt tình hình thực tiễn tại địa phương chưa nhiều.

Đại biểu HĐND phải thực sự là người có năng lực giám sát, thể hiện ở việc đại biểu phải nắm chắc quy định của pháp luật, những nội dung chủ yếu và thông tin thực tế của vấn đề được giám sát, có quan điểm bản lĩnh vững vàng, không nể nang, né tránh. Vì vậy, để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ giám sát của đại biểu, cần tạo điều kiện cho các đại biểu tham gia trao đổi, học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố, các hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng do các cơ quan của Quốc hội, của địa phương tổ chức; cập nhật kịp thời kiến thức pháp luật, chú trọng giữ mối liên hệ với cử tri để phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Hoàn thiện các chế định giám sát

Từ thực tế trên, để hoạt động giám sát của đại biểu HĐND đạt hiệu quả cao, vấn đề đặt ra trước hết là cần hoàn thiện các chế định về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND. Theo đó, cần có quy định rõ vai trò, trách nhiệm, thủ tục, thẩm quyền của đại biểu trong hoạt động giám sát, để có đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện. Đồng thời, các quy định phải thể hiện theo hướng phân biệt rõ đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND là hai chủ thể với hai tư cách khác nhau. Việc lồng ghép, kết hợp hoạt động giám sát của đại biểu và Tổ đại biểu sẽ rất khó trong quá trình giám sát, nhất là về thẩm quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu; đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, thông qua việc xây dựng một quy trình giám sát chặt chẽ, thống nhất. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng xác định thứ tự ưu tiên trong giám sát. Thực tế, thời gian dành cho hoạt động giám sát của đại biểu HĐND không nhiều, trong khi đó, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước rất rộng, bao quát trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc tập trung giám sát tất cả các lĩnh vực sẽ không khả thi và khó thực hiện. Vì vậy, xác định thứ tự ưu tiên giám sát là quan trọng nhất. Trong các vấn đề, đại biểu cần lựa chọn những nội dung phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, được cử tri và Nhân dân địa phương quan tâm như: Cải cách hành chính, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thu hút đầu tư, chính sách đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Mặt khác, cần chú trọng phát huy vai trò của các đại biểu kiêm nhiệm là thành viên các Ban của HĐND. Phần lớn thành viên của các Ban HĐND đều hoạt động kiêm nhiệm, thường dành rất ít thời gian tham gia các hoạt động giám sát, vì vậy việc giám sát đôi khi hình thức, không chuyên sâu. Để đại biểu tích cực, chủ động tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát của các Ban HĐND, cần chú trọng từ khâu lựa chọn thành viên của các Ban. Bên cạnh lựa chọn những đại biểu có trình độ chuyên môn, vị trí công tác phù hợp, cũng cần quan tâm đến tâm huyết, trách nhiệm, việc bố trí, sắp xếp thời gian tham gia của đại biểu.

LÊ MINH