Quy trình lập pháp Nhật Bản: Quyền trình dự án luật

- Thứ Sáu, 06/11/2009, 00:00 - Chia sẻ
Quyền trình dự án luật ở Nhật Bản trước hết thuộc về các nghị sỹ. Trong việc trình các dự án luật, các thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ có quyền ngang nhau, kể cả đối với các dự án luật có liên quan đến ngân sách. Tuy nhiên, để có thể trình dự án luật ra Hạ viện, các hạ nghị sỹ cần phải có sự ủng hộ của trên 20 nghị sỹ khác. Trong trường hợp là các dự án luật có liên quan đến ngân sách thì số lượng hạ nghị sỹ ủng hộ cần thiết phải là trên 50 hạ nghị sỹ. Con số tương ứng ở Thượng viện là 10 thượng nghị sỹ đối với dự án luật bình thường và 20 thượng nghị sỹ đối với các dự án luật có liên quan đến ngân sách.

05-Quy-trinh-31009-300.jpg

Để trình dự án luật, nghị sỹ có ý tưởng phải dự thảo một bản giải trình chỉ ra những luận điểm cơ bản của dự án luật để trình lên Chủ tịch của Viện mà mình là thành viên. Yêu cầu này được đưa ra để bảo đảm rằng các nghị sỹ có thể hiểu một cách sâu sắc lý do ẩn sau bản dự thảo của dự án luật. Bản báo cáo giải trình này được gửi kèm theo dự thảo dự án luật trong đó có chữ ký của một số nghị sỹ ủng hộ cần thiết. Trong trường hợp nội dung của dự án luật yêu cầu có các khoản ngân sách thì ngoài những tài liệu cần thiết nói trên còn phải có bản báo cáo về những chi phí cần thiết cho việc thực hiện luật.

Để giúp cho các nghị sỹ trong quá trình chuẩn bị các dự án luật của mình, nghị viện Nhật Bản cũng tổ chức bộ phận tư vấn lập pháp ở cả hai viện và bộ phận tư liệu tham khảo ở Thư viện Quốc hội. Các nghị sỹ có thể tìm thấy các tài liệu cần thiết phục vụ cho quá trình xây dựng dự án luật ở Thư viện Quốc hội, cũng như có thể nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật soạn thảo dự án luật từ các chuyên gia tư vấn lập pháp.

Giống như các nước có chính thể đại nghị khác, Chính phủ Nhật Bản cũng là một chủ thể có quyền đệ trình các dự án luật ra trước Nghị viện. Đối với Chính phủ, việc trình dự án luật tại Hạ viện hay Thượng viện là tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của Chính phủ. Yêu cầu đối với các dự án luật do Chính phủ đệ trình cũng tương tự như đối với các dự án luật do các nghị sỹ đệ trình, trừ các yêu cầu về số lượng cần thiết các nghị sỹ ủng hộ dự luật. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng là chủ thể duy nhất được phép trình dự án ngân sách ra trước Hạ viện. Để phù hợp với thời điểm bắt đầu năm ngân sách vào ngày 1 tháng 4 hàng năm, thời điểm trình dự án ngân sách thường vào đầu kỳ họp của Nghị viện vào tháng Giêng.

Các dự án luật do Chính phủ cũng như do các nghị sỹ soạn thảo có thể được trình vào bất kỳ thời điểm nào trong kỳ họp của nghị viện. Nghị viện cũng dành cho các nghị sỹ một khoảng thời gian nhất định để bổ sung các chữ ký của số lượng các nghị sỹ ủng hộ cần thiết vào dự thảo luật.

Pháp luật ghi nhận quyền trình các dự án luật của các chủ thể và cũng quy định cho các chủ thể này quyền rút lại các dự án luật đã được trình. Tuy nhiên, việc rút lại các dự án luật đã được trình có những hạn chế nhất định và phải được tất cả những nghị sỹ ủng hộ việc trình dự án luật chấp thuận. Hơn nữa, việc rút dự án luật sau khi dự án đó đã được một ủy ban hoặc một Viện bắt đầu tiến hành xem xét thì cần phải có sự đồng ý của ủy ban hoặc Viện tương ứng đó. Tương tự đối với các dự án luật do Chính phủ trình, để rút lại dự án do mình trình trước đây, Chính phủ cần được sự đồng ý của Viện đang xem xét dự án. Việc rút lại dự án sẽ không được chấp thuận khi dự án đã được một trong hai viện nhất trí thông qua.

Lê Anh