Quy trình lập pháp CHLB Đức: Quyền trình dự luật

- Thứ Sáu, 29/06/2007, 00:00 - Chia sẻ
Theo Khoản 1 Điều 76 của Hiến pháp CHLB Đức, Chính phủ, Thượng viện và các hạ nghị sỹ có quyền trình dự án luật. Tuy nhiên, các dự luật có chất lượng thường xuất phát từ Chính phủ.

      Chính phủ 
      Các dự thảo luật của Chính phủ không được trực tiếp trình Hạ viện liên bang, mà trước hết phải gửi xin ý kiến của Thượng viện. Sau khi Thượng viện cho ý kiến, Chính phủ không sửa đổi theo ý kiến của Thượng viện, mà gửi cho Chủ tịch Hạ viện dự thảo luật đó kèm theo ý kiến của Thượng viện và bản tiếp thu ý kiến của Chính phủ. Trong trường hợp khẩn cấp, Chính phủ có thể trình dự luật cho Hạ viện trước, sau đó gửi ý kiến của Thượng viện sau.
      Thượng viện liên bang
       Sáng kiến luật của Thượng viện liên bang do một Bang hoặc nhiều Bang đưa ra. và sẽ trở thành dự luật nếu giành được đa số ý kiến tán thành ở Thượng viện. Do việc xây dựng dự án luật đòi hỏi nhiều công việc chuẩn bị trước, nên các dự án luật của Thượng viện liên bang thường được Văn phòng Bộ của các Bang soạn thảo. 
      Các dự án luật của Thượng viện liên bang phải được gửi xin ý kiến của Chính phủ trong vòng 3 tháng trước khi trình Hạ viện. Một Bộ của Chính phủ liên bang được giao nhiệm vụ nghiên cứu và dự thảo ý kiến của Chính phủ về dự án luật của Thượng viện liên bang. Sau đó bản dự thảo ý kiến của Chính phủ được đưa ra thảo luận và thông qua trong phiên họp của Chính phủ.
      Nhóm hạ nghị sỹ
      Các hạ nghị sỹ cũng có quyền trình dự luật. Tuy nhiên, dự luật của hạ nghị sỹ phải được ít nhất là 5% số hạ nghị sỹ tán thành.
      Để tránh việc phải trình ra Thượng viện, qua đó tiết kiệm được thời gian, Chính phủ có thể để cho các hạ nghị sỹ thuộc các nhóm đảng của mình trong Hạ viện trình dự luật. Tuy nhiên, trên thực tế việc trình dự luật của các hạ nghị sỹ gặp nhiều khó khăn do thiếu bộ máy cần thiết để soạn thảo một dự án luật có chất lượng. Do đó, dự luật của Đảng cầm quyền tại Hạ viện thường được soạn thảo ở các Bộ của Chính phủ. Còn Đảng đối lập có thể sử dụng công chức làm việc ở các Bộ của Chính phủ để soạn thảo dự án luật của mình, nếu được Bộ trưởng có thẩm quyền cho phép. Các tổ chức đảng này có thể nhận được sự giúp đỡ pháp lý của các chuyên gia làm việc ở Hạ viện. Các hạ nghị sỹ của các đảng đối lập nhỏ luôn tích cực trong việc đưa ra sáng kiến luật và mong muốn với sáng kiến của mình tạo được một dấu ấn chính trị, mặc dù trên thực tế các dự luật của họ ít khi được Hạ viện thông qua.

Hoàng Yến